(Lễ tốt nghiệp Khóa VI, Học Viện Phật giáo VN tại TP.HCM)
TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
Đề cương bài giảng
Môn luận Câu-xá
Bài 8 (4 tiết)
Phẩm 7 PHÂN BIỆT TRÍ
HVPG VN tại Hà Nội và
HVPG VN tại TP.HCM
Giảng viên: TT.TS. Thích Giác Hiệp
- Giới thiệu
- Quan điểm về trí
- Tương quan giữa Nhẫn, Trí, Kiến
- Các loại trí
4.1. Trí hữu lậu
4.2. Trí vô lậu
5. Hành tướng của trí
5.1. Bốn hành tướng của Khổ
5.2. Bốn hành tướng của Tập
5.3. Bốn hành tướng của Diệt
5.4. Bốn hành tướng của Đạo
6. Công đức riêng biệt
6.1. Mười lực
6.2. Bốn vô úy
6.3. Ba niệm trụ
6.4. Đại bi
7. Công đức phổ thông
7.1. Hạnh vô tránh
7.2. Nguyện trí
7.3. Bốn vô ngại giải
8. Kết Luận
- Giới thiệu:
Trí giúp hành giả phân định được chân lý, lẽ phải, hành xử hợp chân lý. Tà kiến, ngụy biện, lý luận sai lầm khiến pháp bất thiện sanh khởi, tăng trưởng, quảng đại,[1] v.v.…Trí giúp người hành trì, tu tập phân biệt được giữa chính kiến và tà kiến. Thể của trí giống nhau nhưng dụng khác nên có nhiều tên gọi, như: nhẫn, trí, kiến. Tùy theo mức độ tu chứng mà trí được phân ra: trí thuộc hữu lậu và trí vô lậu.
- Quan điểm về trí:
Tùy theo từng lĩnh vực, tôn giáo mà trí được định nghĩa có khác, như: theo triết học thì trí là sự vận dụng tri kiến, tâm lý học thì trí là sự kết hợp giữa tri thức và kinh nghiệm, hay quan niệm của đạo Khổng là con người sống thiện thì tâm sẽ yên tịnh, sáng suốt, suy nghĩ chu toàn giải quyết mọi việc.[2] Theo Phật giáo hành giả tu tập để đạt được loại Trí tuệ mà không còn bị vô minh phiền não chi phối. Về vật chất, hành giả không bị vật chất chi phối. Về mặt tinh thần, tâm của hành giả thoát khỏi phiền não (tâm giải thoát) và kiến chấp (tuệ giải thoát).[3]
- Tương quan giữa Nhẫn, Trí, Kiến:
Bằng cách phát triển, hoàn thiện tinh thần, tu tập, chúng ta phát huy được năng lực trí. Nhờ trí tuệ mà các lậu hoặc được đoạn trừ. Tuệ tâm sở (簡擇名慧) là thể của nhẫn, trí, kiến. Tuy nhiên do tuệ tâm sở có các tác dụng khác nhau (同體義别) nên có 3 tên gọi:
– Tuệ tâm sở suy đạt gọi là kiến推求名見
– Tuệ tâm sở quyết đoán gọi là trí決斷名智
– Tuệ tâm sở chấp nhận gọi là nhẫn信可是忍
- Các loại trí:
Tùy theo có sự tác động, ảnh hưởng hay không của phiền não mà trí được chia ra làm 2 loại chính. Trí nếu còn bị phiền não chi phối thì gọi là Trí hữu lậu, trí thế tục. Trí trở nên thanh tịnh, nhờ tu tập, phiền não không còn khởi tác dụng, gọi là Trí vô lậu.
Kệ tụng luận Câu-xá:
智十總有二 有漏無漏別
有漏稱世俗 無漏名法類 (T 29.134c.)
Trí thập tổng hữu nhị, Hữu lậu Vô lậu biệt
Hữu lậu xưng thế tục, Vô lậu danh pháp loại
(Tất cả có 10 trí chia làm 2 loại, hữu lậu và vô lậu, hữu lậu gọi là thế tục, vô lậu gọi là pháp trí, và loại trí)
4.1. Trí hữu lậu:
Trí hữu lậu còn gọi là Thế tục trí. Sự hiểu biết các pháp thế gian, nó còn bị đối trị. Do những đặc tính giới hạn này nên nó được gọi là trí thế tục.
4.2. Trí vô lậu:
Trí vô lậu là loại trí tuệ thanh tịnh, không bị các loại phiền não chi phối. Nó gồm 2 loại: Pháp trí và Loại trí
4.2.1. Pháp trí: là trí tuệ biết rõ trực tiếp chân lý của các pháp Tứ đế và có khả năng dứt sạch mọi phiền não do mê lý Tứ đế ngay ở cõi Dục khởi lên.
4.2.2. Loại trí: là trí cùng loại tương tợ với Pháp trí, có khả năng biết lý Tứ đế của 2 cõi trên ngang qua lý Tứ đế ở cõi Dục. Do vậy cho nên có khả năng dứt trừ mọi phiền não do mê lý Tứ đế của 2 cõi trên.
Ngoài ra còn có 4 thứ: Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, và Đạo trí. Chúng có khả năng dứt sạch mọi phiền não do mê lý Tứ đế khởi lên. Ở địa vị Vô học có 2 loại trí khởi lên: 1) Tận trí và, 2) Vô sinh trí.
1) Tận trí: Bậc Thánh vô học biết rằng: ta đã biết khổ, ta đã dứt tập, ta đã chứng diệt, ta đã tu đạo. Gọi là Tận trí vì trí này biết rõ hành tướng cùng tận về Tứ đế.
云何盡智。謂無學位若正自知我已知苦。我已斷集。我已證滅。我已 修道。由此所有智見明覺解慧光觀是名盡智。(T 29.135a)
2) Vô sinh trí: Vô sinh trí là trí biết rõ tường tận, thấu triệt: khổ, tập, diệt, đạo không còn gì cần phải biết nữa. Gọi là vô sinh. (T 29.135a)
Ngoài ra còn có Tha tâm trí. Đây là trí biết được tâm tư của kẻ khác.
Tóm lại Trí hữu lậu và Trí vô lậu có tất cả 10 loại: thế tục trí, pháp trí, loại trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tha tâm trí, tận trí, vô sinh trí. Sở dĩ hữu lậu trí và vô lậu trí lại chia ra làm 10 trí là vì 7 duyên, như kệ tụng của luận Câu-xá:
由自性對治 行相行相境
加行辦因圓 故建立十智 (T 29.135b)
Do tự tánh, đối trị, hành tướng, hành tướng cảnh
Gia hạnh, biện, nhân viên, cố kiến lập thập trí.
- 自性故立世 俗智 Do tự tánh nên lập thế tục trí. Vì thế tục trí là pháp hữu lậu thế tục không thể lấy trí thắng nghĩa vô lậu làm tự tánh.
- 對治故立法 類智Do đối trị mà lập ra pháp trí, loại trí. Vì hai trí này có khả năng đối trị phiền não trong 3 cõi.
- 行相故立苦 集智 Do hành tướng khác biệt nên lập ra khổ trí, tập trí.
- 行相境故立滅 道智 Do hành tướng và cảnh lập ra diệt trí, đạo trí. Vì về hành tướng năng duyên của 2 trí này không đồng nhau.
- 加行故立他 心智Do gia hạnh mà lập ra tha tâm trí.
- 事辦故建立盡智 Do việc đã thành tựu nên lập ra tận trí.
- 因圓故立無生智 Do nhân viên mãn lập ra Vô sinh trí.
- Hành tướng của trí:
Trong 10 trí, Pháp trí duyên Tứ đế của cõi Dục hiện ra 16 hành tướng. Pháp trí duyên 2 cõi trên cũng hiện ra 16 hành tướng, kệ tụng:
行相實十六 此體唯是慧 (T 29.137a)
Hành tướng thật thập lục, thử thể duy thị tuệ
Tu tập quán 16 hành tướng để đối trị 16 bệnh vọng chấp.
5.1. Quán 4 hành tướng của Khổ: vô thường, khổ, không, vô ngã của Khổ đế là để đối trị bốn vọng chấp: chấp thường, chấp lạc, chấp ngã sở (tức các sở hữu của ta), chấp ngã.
5.2. Quán 4 hành tướng của Tập: nhân, tập, sinh, duyên của Tập đế để đối trị bốn vọng chấp của ngoại đạo: vô nhân luận, nhất nhân luận, thường nhân luận, năng sinh luận.
5.3. Quán 4 hành tướng của Diệt: diệt, tịnh, diệu, ly của Diệt đế để đối trị bốn vọng chấp: sinh cõi Trời tự tại là niết-bàn, tự thể sẵn giải thoát, niết-bàn là hoại diệt như bị bùa chú, giải thoát rồi vẫn sinh tử.
5.4. Quán bốn hành tướng của Đạo: đạo, như, hành, xuất của Đạo đế để đối trị bốn vọng chấp: không có đạo giải thoát, khổ hạnh là chánh đạo giải thoát, không tu đạo mà sinh tử vẫn thanh tịnh, chấp Thánh đạo không có khả năng giải thoát.
- Công đức riêng biệt (18 pháp bất cộng):
Mười tám công đức này chỉ có Phật mới đạt được. Phật là bậc đại giác trí tuệ của Ngài là tối cực thanh tịnh không ai sánh bằng. Từ đó Phật có những công đức riêng biệt, vượt lên mọi Thánh chúng.
Luận Câu-xá:
論曰。佛十力四無畏三念住及大悲。如是 合名為十八不共法。(T 29.140a)
Đây là những công đức của Phật, đặc biệt chỉ có Phật mới đạt được, các vị Thánh khác và phàm phu không có được. Cho nên gọi là bất cộng công đức, có 18 thứ: 10 lực, 4 vô uý, 3 niệm trụ và đại bi tâm
6.1. Mười lực: Lực là thể của trí, mười năng lực dưới không gì có thể lay chuyển được.
1) Xứ phi xứ trí lực: Trí tuệ biết rõ việc gì hợp lý, không hợp lý, 2) Nghiệp báo trí lực: Trí biết rõ sự vận hành của nghiệp, 3) Tịnh lự giải thoát đẳng trí lực: Trí biết về các loại thiền định giải thoát, 4) Căn thượng hạ trí lực: trí biết rõ căn tánh cao thấp của chúng sanh, 5) Chủng chủng thắng giải trí lực: trí biết rõ tâm niệm mừng vui, quyết đoán của chúng sanh, 6) Chủng chủng giới trí lực: trí biết được mọi tính loại sai khác của chúng sinh, 7) Biến thủ hành trí lực: trí biết tất cả các pháp hành, 8) Túc trú tùy niệm trí lực: trí biết rõ những đời quá khứ của mình, 9) Túc trú sinh tử trí lực: trí biết rõ sự sinh tử luân chuyển của chúng sinh trong các cảnh giới, 10) Lậu tận trí lực: Trí chứng nhập niết-bàn, trạch diệt.
6.2. Bốn vô uý:
Vô úy là không sợ hãi. Vô úy là quả của trí, như: biết rõ đạo lý, dứt hết lậu hoặc, thông hiểu mọi pháp và thuyết pháp có thể diệt tận khổ. Bốn vô úy của Đức Phật, như: 1) Chánh đẳng giác vô uý, 2) Lậu tận vô úy, 3) Nói pháp chướng đạo vô úy, 4) Nói pháp diệt tận khổ vô uý.
6.3. Ba niệm trụ: Phật luôn an trụ trong chánh niệm, chánh tri, không còn bị các cảm xúc chi phối. Cho nên khi Đức Phật đối diện với mọi hoàn cảnh tâm ngài luôn tự tại, bất động.
1) Khi duyên cảnh thuận không sinh tâm hoan hỷ, 2) Khi duyên cảnh nghịch không sinh tâm lo buồn, 3) Khi duyên cảnh không thuận nghịch không sinh tâm hoan hỷ và lo buồn.
6.4. Đại bi: Đại bi khác với bi, Đại bi lấy trí thế tục làm thể. Vì nó duyên đến chúng sinh đau khổ trong 3 đời. Có đủ 5 nghĩa như sau mới gọi là đại (Đ.29.141.1):
6.4.1. 資糧 Tư lương đại: nhờ đại phước đức, đại trí tuệ làm tư lương mới thành tựu được.
6.4.2. 行相 Hành tướng đại: vì có năng lực dứt 3 thư khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ) cho chúng sinh.
6.4.3. 所緣 Sở duyên đại: duyên khắp tất cả chúng sinh trong 3 cõi.
6.4.4. 平等 Bình đẳng đại: làm lợi ích cho tất cả chúng sinh không phân biệt thân, sơ.
6.4.5. 上品Thượng phẩm đại: ở phẩm bậc cao nhất không còn tâm tâm bi nào sánh bằng. nên đem đại bi tâm này so sánh với bi tâm khác có 8 sự bất đồng.
- Công đức phổ thông:
Đây là những công đức thông thường từ phàm phu cho đến tất cả các quả vị, hành giả có tu tập đều đạt được. Đây là những công đức của Phật, hàng Hiền Thánh và phàm phu, như 3 loại mà hàng Thanh văn cũng đạt được:
7.1. Hạnh vô tránh: khả năng ngăn chặn phiền não của mình và tha nhân.
7.2. Nguyện trí: ước nguyện để thành tựu mục đích, diệu trí.
7.3. Bốn vô ngại giải: hành giả thành tựu được: pháp, nghĩa, từ, biện, cho nên tự tại trong thuyết pháp giáo hóa. Kệ tụng:
無礙解有四 謂法義詞辯
名義言說道 無退智為性 (T 29.142a)
- Kết Luận:
Trí là nhân giúp hành giả chứng đạt giác ngộ. Nhờ tu tập thiền định, trải qua các giai đoạn, các phương pháp quán trí dần dần thuần thục, tăng trưởng nhận rõ được từng lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy mà công đức thông qua sự chứng đạt trí có khác giữa Hiền Thánh và Phật.
[1] Thích Minh Châu, (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ I, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 1996), 66-7.
[2] Dương Hồng, (dịch), Tứ Thư, (Hà Nội: NXB Quân Đội Nhân Dân, 2003), 15.
[3] Thích Minh Châu, (dịch), Kinh Trung bộ I, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012), 366.