Những hiện vật này đã phát lộ tự nhiên trước khi nhóm cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang và Viện Khảo cổ tới. Quá trình canh tác cây bạch đàn trên phần lớn diện tích đồi đã làm gạch ngói lộ ra. Mặc dù vậy, chính quá trình canh tác này cũng khiến những vật liệu xây dựng cổ như gạch, ngói, chân tảng đá không còn nằm nguyên vị trí ban đầu. Tệ hơn, phần lớn các vật liệu này đã bị vỡ nát. Chiếm số lượng nhiều nhất là những mảnh ngói dẹt mũi tam giác và những viên gạch bìa mỏng kích thước trung bình 25x12x4 cm. Phần lớn số gạch này đều để trơn, không hoa văn, thường có màu đỏ hoặc đỏ tím sẫm, độ nung cao, khá cứng. Ngoài những di vật bằng đất nung, các nhà khảo cổ còn tìm thấy trên bề mặt Gò Chùa nhiều chân tảng đá dùng để kê chân cột. Những chân tảng này thường có dáng khối hình học với một bề mặt được ghè sửa khá phẳng. Họ cũng thấy có ít nhất hai vỉa đá kè bó vỉa nền hiện không còn nguyên vẹn. Vỉa kè thứ nhất cách trung tâm gò khoảng 10 m, tìm thấy ở mạn phía tây nam. Vỉa kè thứ hai nằm cách vòng kè thứ nhất khoảng 5 m, cũng tìm thấy ở mạn phía tây nam. Cả hai bờ kè này được tạo thành từ những tảng đá phiến, có hình dáng tự nhiên, được chôn sâu liền kề nhau. Đáng chú ý là ở vị trí trung tâm của quả đồi, có một gò đất cao khoảng 60-70 cm so với bề mặt xung quanh. Xung quanh gò đất cũng được kè bằng những tảng đá phiến tạo gò đất hình chữ nhật, kích thước 4×5 m. Đây là nơi được các nhà khảo cổ phỏng đoán là trung tâm của ngôi chùa. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện được 6 mảnh chân bát vỡ trong gò đất này. Có một mảnh, lòng bát phủ men màu nâu sẫm, với dấu vết chân kê ở lòng bát. Một chiếc chân cao, phần đáy bôi màu nâu sẫm, phần thân bát trang trí hoa lam với họa tiết hình cánh sen. Bát được khoét lòng ở đáy, giữa lòng bát có chữ Phúc viết bằng chữ Hán. Những chiếc còn lại chân thấp, men rạn màu trắng xám, không hoa văn. Dựa vào các đặc trưng vật liệu xây dựng, vào kết cấu mặt bằng kiến trúc, vào những tài liệu văn hóa dân gian, PGS-TS Trình Năng Chung và đồng nghiệp cho rằng đây là dấu tích của một ngôi chùa cổ, có quy mô khá lớn, bước đầu được xác định niên đại khoảng thế kỷ 16-17. Tại xã Tú Thịnh cách đó không xa, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một di tích kiến trúc cổ với kiến trúc mặt bằng và các di tích, di vật tương đương. Các di tích gồm 2 vỉa đá kè, 1 gò đất hình chữ nhật ở trung tâm gò. Các di vật gồm nhiều mảnh ngói dẹt mũi tam giác, nhiều viên gạch bìa mỏng đã vỡ có kích thước tương tự gạch Gò Chùa. Ngoài ra, còn tìm thấy những mảnh gạch trang trí khắc hình hoa lá. “Căn cứ vào các đặc trưng vật liệu xây dựng, vào kết cấu mặt bằng kiến trúc, vào những tài liệu văn hóa dân gian, chúng tôi cho rằng đây là dấu tích của một ngôi chùa cổ, có niên đại tương đương với di tích Gò Chùa ở Tuân Lộ, khoảng thế kỷ 16-17”, ông Chung cho biết. Điều tra dân tộc học bổ sung cho thấy, trong ký ức của nhân dân vùng này thì tại khu vực gò này, xưa kia có một ngôi chùa tọa lạc. Điều này càng khẳng định thêm phát hiện của các nhà khảo cổ. Xây dựng trên dấu tích chùa cổ Cùng đợt khảo sát khảo cổ học đã phát hiện hai ngôi chùa trên, nhóm các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dấu tích chùa khác. Di tích này được tìm thấy tại xã Hồng Lạc, trên khu đất cao gần trung tâm thôn Khổng Xuyên. Trên khu đất này còn tồn tại một gò đất cao khoảng 60-70 cm so với bề mặt xung quanh. Xung quanh gò đất cũng được kè bằng những tảng đá phiến, chôn dựng đứng tạo gò đất hình chữ nhật, kích thước 6×8 m. Chính tại bên trong gò đất này, đoàn khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều mảnh ngói dẹt mũi tam giác, nhiều viên gạch bìa mỏng đã vỡ có kích thước tương tự gạch Gò Chùa xã Tuân Lộ, hoặc Gò Tú Trạc xã Tú Thịnh. Nếu như hai ngôi chùa trên không có một kiến trúc nào “chồng” lên trên thì tại gò đất Hồng Lạc này, có một ngôi chùa cách đó gần 30 m về phía đông. “Những người dân ở đây cho biết, họ dựng ngôi chùa nhỏ trên nền dấu tích một ngôi chùa cổ. Khi san gạt khu gò này để xây ngôi chùa mới, họ bắt gặp nhiều đá tảng to, xếp thành hàng. Tuy vậy, họ vẫn san gạt, lấy mặt bằng xây dựng công trình mới”, ông Chung nói. Mặc dù những di tích, di vật còn lại ít, nhưng các nhà khảo cổ vẫn cho rằng đây là dấu tích của một ngôi chùa cổ, niên đại có thể tương đương hoặc muộn hơn di tích Gò Chùa, Gò Tú Trạc, khoảng thế kỷ 16-18. Với những phát hiện khảo cổ như trên, việc tìm hiểu quan hệ của các ngôi chùa với nhau hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Chính vì thế, trong thời gian tới, các nhà khảo cổ đề nghị có những cuộc khai quật lớn để có thể tìm hiểu cặn kẽ, trên cơ sở đó tổng kết giá trị của cả 3 ngôi chùa. “Có lẽ, cuộc khai quật mở rộng sẽ tiến hành vào đầu năm tới. Hiện chúng tôi đang thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết”, ông Chung cho biết.
Trinh Nguyễn (Theo Thanhnienonline)