Đề cương bài giảng

Luận Câu-xá

HVPG VN tại Hà Nội và

HVPG VN tại TP.HCM

Giảng viên: TT.TS. Thích Giác Hiệp

Bài 6

Phẩn 5 PHÂN BIỆT TÙY MIÊN

(Anuśaya)

  1. Giới thiệu
  2. Ý nghĩa Tùy miên

2.1. Vi tế

2.2. Tùy tăng

2.3. Tùy trục

2.4. Tùy phược

2.5. Trụ

2.6. Lưu

2.7. Phiêu

2.8. Hiệp

2.9. Chấp

3. Căn bản phiền não/tùy miên

3.1. Tham

3.2. Sân

3.3. Si

3.4. Mạn

3.5. Nghi

3.6. Ác kiến

4. Tùy phiền não/chi mạt hoặc

5. Phân loại theo nhóm

6. Yếu tố phát sinh phiền não

7. Phương pháp dứt trừ phiền não

8. Kết luận

  1. Giới thiệu

Thế giới được hình thành do nghiệp và tùy miên. Theo Câu-xá tùy miên là tên gọi khác của phiền não hay hoặc, Anuśaya= kleśa. Chỉ cho khuynh hướng tiêu cực tiềm phục trong tâm. Nhưng theo Kinh-lượng bộ thì Anuśaya tức chỉ cho phiền não còn tiềm ẩn, trạng thái còn ngủ yên, ở dạng như hạt giống. Còn Kleśa tức lúc phiền não đã phát khởi hiện hành. Nghiệp là nguyên nhân gần và tùy miên là nguyên nhân xa, chúng cùng tương ưng để tạo ra thế giới mê vọng. Tu tập trong Phật giáo là hoàn thiện đạo đức, đạt được trạng thái không còn bị cấu nhiễm bởi tùy miên. Mục đích tối hậu giống với Phật giáo nguyên thủy, đoạn tận lậu hoặc. Trong nguyên thủy chúng ta thường thấy, như kinh Trung bộ số 112, kinh Sáu Thanh tịnh, nêu:

Tôi không cảm thấy luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế, đối với những vật được thấy… được nghe… được cảm giác… được nhận thức…. tôi có thể nói tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc.[1]

 Nội dung phẩm này nói về các loại tùy miên, tên gọi, và ảnh hưởng của chúng.

  1. Ý nghĩa Tùy miên

Tùy miên làm cho tâm nhiễm ô, đối nghịch với thiện pháp. Các thiện pháp chưa sinh bị tùy miên ngăn chặn không sinh, các thiện pháp đã sinh bị thoái thất. Tâm trong sáng bị các loại tùy miên làm nhiễm ô.

Tùy miên có các nghĩa: vi tế, tùy tăng, tùy trục, tùy phược, trụ, phiêu…

Kệ tụng Câu-xá nêu tính chất tùy miên:

 微細二隨增  隨逐與隨縛

 住流漂合執  是隨眠等義.[2]

Vi tế nhị tùy tăng tùy trục dữ tùy phược

Trụ lưu phiêu hiệp chấp thị tùy miên đẳng nghĩa

  • Vi tế: Vì căn bản phiền não hiện tiền rất vi tế, hành tướng của nó rất khó biết rõ nên gọi là vi tế.
  • Tùy tăng: Tăng nghĩa là đối với sở duyên và pháp tương ứng có khả năng phát triển.
  • Tùy trục: Nó thường theo hữu tình gây ra các tội lỗi, nên gọi là tuỳ trục
  • Tùy phược: Nó thường hiện khởi trói buộc hữu tình, khi chúng ta không muốn nó vẫn sinh, cố ngăn nó vẫn khởi, nên gọi là tuỳ phược

Khi phiền não/tùy miên hoạt động nó có đủ 10 tính chất:

一堅根本: Tạo ra gốc rễ kiên cố, khó diệt trừ

二立相續: Tạo thành một chuỗi liên tục, nghĩa là tái tạo liên tục

三 治自田: tự chăm sóc, nghĩa là bổ sung cho phiền não tiếp tục khởi

四引等流: Sản sinh phiền não phụ, như ghét sinh ra giận

五發業有: Đưa đến hành động

六攝自具: Tập hợp, tích tụ các nguyên nhân

七 迷所緣: làm cho con người có nhận thức sai lầm đối với đối tượng.

八導識流: Nó dẫn dòng thức đến đối tượng, hay đến với sinh tử

九越善品: làm cho xa lìa việc thiện

十廣縛義: Tạo ra sự trói buộc, ràng buộc vào hiện hữu

  1. Căn bản phiền não/tùy miên:

Tùy miên là những trạng thái tinh thần tiêu cực gây khổ não cho chúng sinh. Tùy theo sự ảnh hưởng của chúng, mạnh hay yếu mà được xếp vào loại chính (căn bản) hay phụ (tùy). Căn bản tùy miên có 6 loại, kệ tụng:

隨眠諸有本  此差別有六

       謂貪瞋亦慢  無明見及疑 (T 29.98b)

Tùy miên chư hữu bổn, thử sai biệt hữu lục

Vị tham sân diệc mạn, vô minh kiến cập nghi

Căn bản tùy miên sai biệt có 6 loại, đó là: 1. tham, 2. sân, 3. si, 4. mạn, 5. nghi, 6. ác kiến.

Ác kiến có 5: a. thân kiến, b. biên kiến, c. tà kiến, d. kiến thủ, e. giới cấm thủ.

3.1.  Tham: Đối tượng của tâm tham là: sắc, thinh, hương, vị, xúc hay tài, sắc, danh, thực, thùy…những thứ làm con người khởi tâm ưa thích, tìm cầu, chấp thủ.

3.2.  Sân: tâm không thỏa mãn đối với lục trần hay đối với đối tượng, từ đó sinh ra đối kháng.

3.3. Si: không phân biệt phải trái mà chỉ hành động theo tham, sân. Tính của si là không nhận thức rõ vấn đề.

3.4. Mạn: Tâm cao mạn gọi chung là mạn, có 7 loại:

1) Mạn: tâm cao mạn so sánh, đối với người thua mình, tự cho mình hơn, đối với người bằng mình, tự cho mình bằng.

2) Quá mạn: đối với người bằng mình lại cho mình hơn. Đối với người hơn mình lại cho mình bằng.

3) Mạn quá mạn: có tâm cao mạn, đối với người hơn mình lại cho mình hơn,

4) Ngã mạn: có tâm chấp ngã, ngã sở rồi sanh ra cao mạn, dương dương tự đắc, dù không công nhiên so sánh hơn thua với người,

5) Tăng thượng mạn: chưa học, chưa tu, chưa chứng lại tự cho đã học, đã tu, đã chứng,

6) Ty mạn: có tâm cao mạn, mình thua người nhiều, lại tự cho là chỉ thua chút ít, không chịu phục tùng người hơn; hoặc tự mãn với chút ít học thức, đạo đức mà không cầu tiến

7) Tà mạn: có tâm cao mạn. Tự thị về những kiến giải và cách tu tập tà vạy mà khinh khi lấn lướt người khác

3.5. Nghi: là tánh nó do dự lưng chừng, không nhận định rõ về đạo lý nhân quả.

3.6. Ác kiến: thấy biết sai lầm, cố chấp làm chướng ngại đạo và tâm sở thiện. Ác kiến lại có 5:

1) Thân kiến: gồm ngã kiến và ngã sở kiến, chấp tự ngã và ngã sở.

2) Biên kiến: chấp có thật ngã, khi chết ngã sẽ tồn tại.

3) Tà kiến: Tà kiến chỉ cho những thấy biết sai lệch điên đảo. Tà kiến còn chỉ cho sự phủ nhận nhân quả chân chính và chấp nhận nhân quả sai trái.

4) Kiến thủ: Tức chấp chặt 3 thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến trên cho là đúng.

5) Giới cấm thủ có 2 loại:

  • Không phải là nhân chấp là nhân, tức chấp trì những giới cấm không hợp lý
  • Không phải đạo lý chấp là đạo lý, tức tin những đạo lý không đưa đến sự giải thoát.

10 phiền não trên được chia ra làm 2:

1) 5 độn sử: Vì tánh của chúng trì độn, có rễ sâu dày khó trừ.

  1. tham, 2. sân, 3. si, 4. mạn, 5. nghi

2) 5 lợi sử: 5 ác kiến được gọi là 5 lợi sử vì tánh của nó mãnh lợi, không có căn rễ sâu dày, dễ đoạn trừ.

  1. thân kiến, 2. biên kiến, 3. tà kiến, 4. kiến thủ, 5. giới cấm thủ . Hai thứ độn sử và lợi sử này lại chia ra làm 2 loại: a. mê lý hoặc và b. mê sự hoặc.

a. Nhận định sai lầm về đạo lý (Mê lý hoặc):

Mê lầm về đạo lý, tri kiến chấp trước sai lầm, không hiểu rõ: vô thường, vô ngã, Tứ đế. Mê lý hoặc còn là kiến hoặc. Kiến hoặc có 88 sử, là căn cứ vào đa số phiền não ở cõi Dục, Sắc và Vô sắc mà quy định. Khi mê lý Tứ đế ở cõi Dục thì sẽ khởi ra 32 sử; mê lý Tứ đế ở cõi Sắc thì khởi ra 28 sử; mê lý Tứ đế ở cõi Vô sắc thì khởi ra 28 sử.

32 sử ở cõi Dục là: mê lý Khổ đế khởi lên 10 sử (5 độn sử và năm lợi sử) mê lý Tập đế khởi 7 sử (trong 10 sử trừ thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ), mê lý Diệt đế khởi lên 7 sử (như Tập đế), mê lý Ðạo đế khởi lên 8 sử (tức trong 10 sử trừ Thân kiến, biên kiến).

28 sử ở cõi Sắc và Vô sắc là: trong số 32 sử của cõi Dục, ở cõi Sắc trừ thêm 4 phiền não sân do mê lý Tứ đế nên còn lại 28 sử. Ở cõi Vô sắc cũng vậy.

b. Nhận định sai lầm về sự tướng của vũ trụ (Mê sự hoặc):

Là mê lầm tham đắm về sự tướng, sắc thinh của vũ trụ vạn vật. Mê sự hoặc cũng gọi là tư hoặc, tu hoặc. Tư hoặc có 81 phẩm (bậc). Ở đây chia ba cõi ra làm chín địa, mỗi địa có chín bậc tu hoặc. Như vậy, 9x 9= 81 phẩm.

Như vậy, tự thể của tư hoặc ở cõi Dục có bốn thứ là tham, sân, si, mạn; ở cõi sắc có ba thứ là tham, si, mạn, ở cõi vô sắc cũng có ba thứ là tham, si, mạn. Cộng cả ba cõi thành mười thứ tư hoặc, mười tư hoặc này cộng với 88 sử thuộc kiến hoặc thành 98 sử, được gọi là căn bản phiền não.

  1. Tùy phiền não/chi mạt hoặc upakleśas:

Chúng được tạo ra tiếp theo sau căn bản phiền não. Từ phiền não chính phát sinh ra các loại phụ này. Ví dụ từ sân sinh ra hận. Có 19 thứ chi mạt hoặc tùy tùng theo căn bản nổi lên, đó là:

  1. Phóng dật, 2. Giải đãi, 3. Bất tín, 4. Hôn trầm, 5. Trạo cử, 6.Vô tàm, 7. Vô quý, 8. Phẫn, 9. Phú, 10. Xan, 11. Tật, 12. Hối, 13. Miên, 14. Não, 15. Hại, 16. Hận, 17. Siểm, 18. Cuống, 19. Kiêu.

5. Phân loại theo nhóm:

Ngoài sự phân chia các loại phiền não ra thành căn bản phiền não và tùy phiền não ra, chúng ta còn có thể chia các món phiền não ra thành các nhóm sau đây theo tính chất của chúng:

Tam phược, Tam lậu, Tứ bộc lưu, Tứ ách, Tứ thủ, Ngũ cái, Ngũ thuận hạ phần kiế, Ngũ thuận thượng phần kiết, Lục cấu, Cửu kiết, Thập triền.

  1. Yếu tố phát sinh phiền não:

Trong cuộc sống có nhiều nguyên nhân khiến cho phiền não phát sinh. Tóm tắt có ba nhân duyên các phiền não phát khởi:

  1. Do yếu tố tiềm ẩn (hetu-balena): chủng tử phiền não chưa được đoạn trừ. Nó nằm yên chưa phát khởi, ví như lòng tham khởi lên là do hạt giống tham sẵn có trong tâm chưa được đoạn trừ, chưa biết rõ.
  2. Do cảnh giới (viṣaya-balena): tức đối tượng/duyên. Sự tác động của ngoại cảnh khiến phiền não khởi.
  3. Do gia hạnh (prayoga-balena = preparatory effort): Tức là sự phân biệt sai lệch đối với đối tượng (phi lý tác ý). Nhân thức sai lầm không đúng, không như lý tá ý, nên phiền não phát sinh.

7. Phương pháp dứt trừ phiền não:

7.1. Hiểu rõ tính chất tùy miên:

Phải hiểu rõ được các đặc tính của phiền não và các tác hại của chúng để đoạn trừ. Phiền não tồn tại ở ba mức độ: 1) Tiềm ẩn, 2) Phát khởi trong tư tưởng, 3) Hiển lộ ở mức hành động. Đoạn trừ kiến hoặc nhờ ba nguyên nhân, đoạn trừ tư hoặc nhờ một nguyên nhân.

Ba nguyên nhân đoạn trừ kiến hoặc:

  • Do biết cảnh sở duyên (ālambana parijñāna): hiểu rõ tính chất đối tượng mà phiền não có thể khởi
  • Do năng duyên đoạn (tadālabana-saṃkṣaya)
  • Do sở duyên đoạn (ālambana-prahāṇa)

Một nguyên nhân đoạn trừ Tư hoặc:

  • Nhân đối trị đoạn  (pratipakṣodaya)

7.2. Hiểu thật tướng của các pháp:

Hành giả quán chiếu, nhận rõ tính chất của các pháp để tùy miên không khởi. Các pháp là vô thường, biến dị, khổ. Nên không khởi tâm tham, sân…đối với các pháp. Tính chất của pháp được nêu trong Câu-xá Thích luận:

 已知行無常  復觀彼變異

 故說諸受苦  正遍覺智者(T 29.267c)

Dĩ tri hành vô thường phục quán bỉ biến dị

Cố thuyết chư thọ khổ Chánh biến giác tri giả

Nguồn gốc khổ đau, hiện hữu chính là do kém hiểu biết (vô minh) làm nền tảng, khởi lên các loại tham, sân khiến hữu tình chịu khổ, Luận thuyết:

 諸所有惡趣  此及他世間

 皆無明為根  貪欲所等起 (T 29.640c)

Chư sở hữu ác thú thử cập tha thế gian

Giai vô minh vi căn tham dục sở đẳng khởi

  1. Kết luận:

Ảnh hưởng của tùy miên tùy mức độ, nặng, nhẹ khác nhau. Có loại khó đoạn trừ (chính), có loại dễ đoạn trừ (phụ). Con người bị tùy miên tác động, tính năng sáng suốt của tâm thức bị ngăn che nên nhìn nhận các pháp một cách sai lầm. Nhận thức sai lầm dẫn đến hành xử, ngôn thuyết không chân chính. Tùy miên và nghiệp đưa đẩy chúng sinh luân hồi sinh tử.

[1] Thích Minh Châu, (dịch), Kinh Trung bộ II (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012), 356-57.

[2] T 29, no.1558, 108a.

BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận
Vui lòng nhập tên