(Học viện PGVN tại Hà Nội)

Đề cương bài giảng

Bài 4 (6 tiết)

PHẨM 3 Phân biệt Thế gian

(Loka nirdeśa)

HVPG VN tại Hà Nội và HVPG VN tại TP.HCM

Giảng viên: TT.TS. Thích Giác Hiệp

  1. Giới thiệu
  2. Nội dung

2.1. Phân chia thế gian

2.1.1. Dục giới

2.1.2. Sắc giới

2.1.3. Vô sắc giới

2.2. Lưu chuyển

2.2.1. Tử hữu

2.2.2. Trung hữu

2.2.3. Sinh hữu

2.2.4. Bản hữu

2.3. Duyên khởi

2.3.1. Sát-na

2.3.2. Liên phược

2.3.3. Phân vị

2.3.4. Viễn tục

2.4. Tứ thực

2.4.1. Đoàn thực

2.4.2. Xúc thực

2.4.3. Tư thực

2.4.4. Thức thực

2.5. Khí thế gian

2.5.1. Hạn lượng

2.5.2. Tính chất

2.5.3. Thời gian

  1. Kết luận

 

  1. Giới thiệu:

Phật giáo chủ trương ngoài cảnh giới này ra còn có vô lượng vô biên thế giới, tam thiên đại thiên thế giới. Kinh Nguyên Thủy có đề cập đến sự khởi nguyên của vũ trụ, sự hình thành thế giới và hữu tình.[1] Kinh điển thời kỳ này đề cập đến vũ trụ nhân sinh nhưng chưa có giải thích thành một hệ thống, nội dung rải rác trong các kinh. Đến thời kỳ Abhidharma chủ trương về vũ trụ nhân sinh mới được hệ thống hóa. Một số trường phái Abhidharma phân tích, giải thích về sự hình thành vũ trụ. Luận thư của Nhất-thiết-hữu bộ đề cập đến nội dung này. Theo Câu-xá, có hai loại thế gian: Hữu tình thế gian và Khí thế gian. Sự hiện hữu của thế gian là kết quả của vô minh. Do biệt nghiệp và cộng nghiệp của chúng sinh hình thành nên các cảnh giới.

  1. Nội dung:

2.1. Phân chia thế gian:

Tùy theo nghiệp lực, trình độ tu tập sai khác của chúng sinh mà họ sẽ sinh về về một trong ba giới, cõi. Mỗi giới có tính chất riêng, 能持自相故名為界 (T 29.41b):

2.1.1. Cõi dục (kāma dhātu):

Cõi Dục gồm năm loài: trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Có bốn thứ phiền não chi phối chúng sinh ở cõi này như: tham, sân, si, mạn. Đặc tính của chúng sinh ở cõi này là tâm tham đắm đối với các pháp.

2.1.2. Cõi Sắc (rūpa dhātu):

Cõi Sắc có bốn địa là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Có ba thứ phiền não chi phối chúng sinh ở cõi này như: tham, si, mạn. Ở Sắc giới khổ căn không còn vì thân đạt được tịnh diệu và không có các pháp bất thiện chiêu cảm nên khổ không khởi. Ưu căn cũng không tồn tại vì tâm chúng sinh ở cõi này luôn trong thiền định và không có các nhân làm não hại.

2.1.3. Cõi Vô sắc (arūpa dhātu):

Cõi Vô sắc cũng có bốn địa: Không vô biên xứ địa, Thức vô biên xứ địa, Vô sở hữu xứ địa và Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa. Có ba thứ phiền não chi phối chúng sinh ở cõi này như: tham, si, mạn. Thật sự Vô sắc giới không có xứ bởi vì các pháp vô sắc không chiếm chỗ trong không gian. Các pháp vô sắc không có phương sở.

2.2. Lưu chuyển:

Hữu tình thế gian, tuy trình độ, cảnh cõi khác nhau nhưng đều ở trong vòng luân hồi, sinh tử. Quá trình sinh tử trải qua 4 giai đoạn:

2.2.1. Tử hữu: Con người do phiền não, nghiệp đời trước chiêu cảm lấy quả báo, hiện thân trong đời này. Thọ mạng ngắn, dài khác nhau. Cho dù có thọ mạng dài đến bao lâu cuối cùng cũng phải xả bỏ sắc thân này. Chính sau sát-na xả bỏ báo thân gọi là Tử hữu.

2.2.2. Trung hữu (antarābhava): giai đoạn sau khi bỏ báo thân cho đến khi đủ duyên tái sinh, khoảng giữa chờ tái sinh. Thời gian tồn tại trong giai đoạn này có nhiều sai khác giữa các bộ phái Phật giáo.

2.2.3. Sinh hữu: giây phút kiết sinh, do vọng tưởng khởi lên tâm sinh ái hoặc sân khiến kiết sinh, nhập thai mẹ.

2.2.4. Bản hữu: Chỉ thời gian từ sinh hữu cho đến tử hữu.

2.3. Duyên khởi (Pratītyasamutpāda):

Duyên khởi được xem là điểm giáo lý trọng tâm của Phật giáo. Nó có một ảnh hưởng nhất định đến nền triết học thế giới. Học thuyết này chứng minh sự hình thành thế giới không phải là sự sáng tạo của thần linh, siêu nhiên, thượng đế… Học thuyết nhấn mạnh rằng thế giới được hình thành là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhân duyên.[2] Chính vì vậy thế giới có tính tạm bợ, nhất thời, khổ đau.

 從惑生惑業  從業生於事

 從事事惑生  有支理唯此 (T 29.49b)

Tùng hoặc sinh hoặc nghiệp, tùng nghiệp sinh ư sự

Tùng sự sự hoặc sinh, hữu chi lý duy thử

Do hoặc, nghiệp, sự mà chúng sinh trải qua bốn giai đoạn lưu chuyển từ quá khứ đến hiện tại, đến tương lai, vô chung, vô thỉ. Hoặc, nghiệp, sự lại là cách diễn đạt khác về 12 nhân duyên. Luận 25 Câu xá  (T 29.48.3) giải thích mười hai duyên theo 4 loại duyên khởi:

2.3.1. Sát-na duyên khởi (剎那):

Trong một sát-na (kṣaṇika: khái niệm về thời gian rất ngắn) tâm cùng lúc có đầy đủ mười hai chi phần. Theo dạng nhân quả đồng thời, có nhân là có quả.

2.3.2. Liên phược duyên khởi (連縛):

Sự tiếp nối nhân quả liên tục, không gián đoạn theo quan hệ nhân trước quả sau. 

2.3.3. Phân vị duyên khởi (分位):

Dựa vào nhân quả trong các thời để suy đoán. Căn cứ vào thọ quả hiện tại để tìm cái nhân sinh ra nó, và cũng từ đó căn cứ vào tác nhân hiện tại mà biết quả vị tương lai.

2.3.4. Viễn tục duyên khởi (遠續):

Sự duyên khởi liên tục của 12 chi nhân duyên này không những chỉ một đời, hai đời, ba đời mà còn nhiều đời.

Chuỗi 12 nhân duyên nối tiếp mãi không ngừng đời này sang đời khác cho tới khi hành giả chứng niết-bàn, không còn luân hồi sinh tử. Ngoài việc bác bỏ các học thuyết thường, đoạn, duy thần, duy tâm, duy vật, việc phân tích tính chất của duyên khởi còn chứng minh rằng không có một thật ngã hay một chủ tể thống nhất trong sự luân hồi mà chính là do 12 duyên khởi tuần hoàn diễn tiến theo luật nhân quả tạo ra luân hồi.

2.4. Tứ Thực: Thực có nghĩa tư ích, giúp cho. Hữu tình tồn tại nhờ vào thực. Có 4 hình thức ăn giúp hữu tình tồn tại.

2.4.1. Đoàn thực: ăn thức ăn theo cách thông thường, tiếp thu dưỡng chất nuôi dưỡng thân thể, giúp chúng sinh tồn tại. Đoàn thực bao gồm: hương, vị, xúc.

2.4.2. Xúc thực: Căn tiếp xúc trần khởi lên niệm hỷ lạc mạng sống được duy trì.

2.4.3. Tư thực: Thức thứ 6, ý thức, suy nghĩ các cảnh ưa thích, sinh tâm hy vọng khiến cho mạng sống được duy trì.

2.4.4. Thức thực: Thức uẩn, chúng sinh cảnh địa ngục và hành giả hành thiền cõi Vô sắc duy trì sự hiện hữu thông qua thức.

2.5. Khí thế gian:

     2.5.1. Hạn lượng thế giới:

Tuy có quan điểm khác nhau về thế giới nhưng Nguyên Thủy và Đại thừa đều chấp nhận có vô số vô lượng thế giới. Khí thế gian tức y báo, là nơi nương tựa của hữu tình. Đây chính là vũ trụ, thế giới. Thế giới vô lượng, vô biên có thể chia ra ba hạng: Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới. Gọi chung là Tam thiên đại thiên thế giới.

     2.5.2. Tính chất của thế giới

Thế giới được cấu thành do vô số cực vi, vật thể rất vi tế, không thể chia chẻ được nữa. Mỗi cực vi đều có 4 tánh chất là cứng, ướt, nóng, động (cố thể, dịch thể, nhiệt lực, động lực hay khí thể). Tánh cứng rắn có tác dụng bảo trì mọi vật. Tánh thấp ướt có tác dụng kết dính mọi vật, kết mọi vật lại với nhau. Tánh ấm nóng có tác dụng thành thục mọi vật. Tánh chuyển động có tác dụng làm tăng trưởng mọi vật.

          2.5.3. Thời kỳ thành hoại của thế giới:

Thế giới cứ xoay vần tiếp nối qua bốn thời kỳ: thành, trụ, hoại, không. Mỗi thời kỳ là một Trung kiếp, đủ 4 Trung kiếp là 1 Đại kiếp. Thế giới tồn tại lâu dài hay ngắn là do đạo đức, lối sống của chúng sinh. Khi tạo phước, sống đạo đức thì tuổi thọ cao, nhưng ngược lại sống vô đạo đức thì tuổi thọ giảm, lúc này có những tai ương xảy ra, 3 tai biến xảy ra: 1) đao binh tai, 2) tật dịch tai và, 3) cơ cẩn tai. Những tai biến cướp đi sinh mạng, hủy diệt thế giới. Thế giới trong thời trụ gồm 20 Tiểu kiếp. Trong 20 Tiểu kiếp này, tuổi thọ con người có 19 lần tăng lên đến 80.000 tuổi, và 19 lần giảm xuống 10 tuổi. Khi tuổi thọ con người đạt 80.000 thì thân hình đẹp đẽ, tự phát ánh sáng, đi lại nhẹ nhàng như bay. Thế nhưng không biết tu tập nên phát sinh nhiều tính xấu hành động xấu, làm cho tuổi thọ mỗi ngày mỗi giảm đến định mức 10 tuổi.

  1. Kết luận:

Tuy Nhất-thiết-hữu bộ chủ trương “Tam thế thật hữu, pháp thể thường hằng” nhưng vẫn chấp nhận sự chuyển biến không ngừng của các pháp. Vạn hữu không thoát khỏi 4 tướng, thành, trụ, hoại, không, mỗi giai đoạn có lượng thời gian rất dài. Đây là bộ phái Phật giáo giải thích về vũ trụ nhân sinh chi tiết. Trong vũ trụ các cõi được giải thích rõ. Mỗi cảnh giới tiêu biểu cho bản tính của chúng sinh tồn tại trong đó, như: Dục, Sắc và Vô sắc giới.

Các điểm giáo lý căn bản của Phật giáo được luận bàn, Lý duyên khởi, để giải thích sự sinh khởi các pháp do nhân duyên, không phải do Đấng sáng tạo hay một năng lực siêu nhiên nào. Do các pháp hợp thành nên vạn hữu có tính vô thường, biến dịch. Năng lực giúp cho sự tồn tại vững bền đó là đạo đức. Yếu tố khiến cho pháp suy giảm là lối sống phi đạo đức, khiến các tai ương xảy  ra, tuổi thọ giảm, cảnh giới diệt vọng.

[1] Thích Minh Châu, (dịch), Kinh Trường Bộ II (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 1991), 395.

[2] S. Chaudhury, Analytical Study of the Abhidharmakosa (Calcutta: Firma KLM Private Limited, 1983), 133.

BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận
Vui lòng nhập tên