Đề cương bài giảng
Bài 3 (6 tiết)
PHẨM 2 PHÂN BIỆT CĂN
(Indriyas)
HVPG VN tại Hà Nội và
HVPG VN tại TP.HCM
Giảng viên: TT.TS. Thích Giác Hiệp
- Giới thiệu:
- Nội dung:
2.1. Hai mươi hai Căn
2.1.1. Năm căn
2.1.2. Ý căn
2.1.3. Hai căn
2.1.4. Ngũ thọ căn (Ưu, Hỷ, Khổ, Lạc, Xả)
2.1.5. Ngũ thiện căn (Tín. Tấn, Niệm, Định, Tuệ)
2.1.6. Mạng căn
2.1.7. Vô lậu căn
2.2. Tâm sở pháp
2.3. Tâm bất tương ưng hành
2.4. Nhân quả
2.4.1. Sáu nhân
2.4.2. Bốn duyên
2.4.3. Năm quả
- Kết luận
- Giới thiệu:
Luận Câu xá là một tác phẩm tổng hợp và hệ thống hóa tư tưởng Nhất-thiết-hữu bộ. Luận chủ tuyển chọn những điểm giáo lý chính thống, căn bản của nhiều bộ phái Phật giáo, từ phương pháp tu tập cho đến triết học, từ nguyên thủy đến phát triển. Nội dung phẩm Phân Biệt Căn bàn về dụng của các pháp, gồm các nội dung: 1) Tác dụng của 22 căn, 2) Tâm sở pháp, 3) Tâm Bất tương ưng hành, và 4) Nhân quả. Vì phẩm đề cập nhiều loại như vậy nên A-tỳ-đạt-ma Thuận Chính Lý Luận (阿毘達磨順正理論) còn gọi phẩm này là Phẩm Sai biệt. Tất cả chúng sinh luân hồi trong sinh tử, hay đạt được giác ngộ giải thoát, sinh về cõi dữ hoặc sinh về cõi lành là do năng lực của 22 căn này.
- Nội dung
2.1. Hai mươi hai căn:
Quan trọng nhất trong hình thành nghiệp đó là sự hoạt động của các căn. Nếu các căn thiện phát triển thì nghiệp thiện phát sinh. Nếu các căn nhiễm phát triển thì ác nghiệp phát sinh. Luận Câu xá chia căn ra làm 22 loại, dựa vào tính chất thiện hay bất thiện của chúng.
22 căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (cơ quan phát thức), nam căn, nữ căn (sự sai biệt của hữu tình), mạng căn (khả năng tồn tại của một chúng sinh), ưu, hỷ, khổ, lạc, xả (thuộc pháp ô nhiễm), ý căn (khả năng tiếp nối sinh tử tự tại, tùy hành), tín, tấn, niệm, định, tuệ (năm căn thanh tịnh), vị tri đương tri, dĩ tri, cụ tri (3 căn vô lậu), 8 căn sau thuộc pháp thanh tinh.
Do căn có khả năng tăng thượng (ưu thế, vượt trội) nên mọi sự việc đều nhờ chúng mà tăng thượng. Nhờ sự tăng thượng này mà các pháp đều hiệu hữu.
阿毘達磨藏顯宗論: 以增上義別說為根。彼彼事中得增上故。雖增上 義諸法皆有。[1]
2.1.1. Năm căn
Năm căn như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… mỗi một căn có khả năng tăng thượng trong 4 khía cạnh:
1) Trang nghiêm thân (莊嚴身), 2) Bảo hộ thân (導養身), 3) Phát sinh thức (生識), 4) Hoạt động riêng (不共事).
Cá nhân nếu không đủ các căn sẽ không được trang nghiêm. Nhờ các căn cá nhân sẽ cảnh giác, nhìn thấy, nghe tiếng để tránh được những nguy hiểm. Các căn này cũng là cơ sở phát khởi các thức. Và tùy và từng căn mà nó có hoạt động khác nhau.
2.1.2. Ý căn
Phật giáo xuất hiện trong khoảng thời gian mà các trường phái triết học Ấn độ cổ đại đang phát triển, một trong những vấn đề mà chúng ta thường bắt gặp ở triết học Ấn độ là phân tích con người. Yếu tố vật chất và tinh thần được phân tích. Ý căn thuộc yếu tố tinh thần. Đức Phật thường dạy về tâm. Ngài dạy chúng ta cách thanh tịnh hóa tâm. Một trong những phân tích của các trường phái A-tỳ-đàm là tâm/ý. Nghiên cứu về tâm (Tâm lý học), chức năng, hoạt động của tâm (Nhận thức luận) được xem là cần thiết cho quá trình tu tập tâm linh. Từ đó có thể thoát khỏi khổ đau và đạt được an lạc.
Tâm được đề cập ở đây là làm chỗ tựa của 6 thức, là tâm vương. Ý căn/tâm có khả năng tăng thượng trong 2 khía cạnh là: tiếp nối đời sau, và tự tại tùy hành (tự vận hành). Ý căn làm cho đời sống kế tiếp (hậu hữu) được tương tục. Ý căn theo Nhất-thiết-hữu bộ có chức năng giữ gìn chủng tử. Luận trích kinh nêu:
Tâm có khả năng dẫn dắt thế gian. Tâm điều khiển mọi thứ như vậy tất cả các pháp đều tuân thủ theo sự chỉ đạo của tâm. (心能導世間 心能遍攝受 如是心一法 皆自在隨行).[2]
2.1.3. Hai căn:
Hai căn nữ, nam có khả năng tăng thượng (năng lực thù thắng) theo nghĩa: 1) giúp phân loại chúng sinh, xếp theo nam hay nữ, và 2) giúp phân biệt chúng sinh, giới tính, dựa vào sự khác biệt, như: hình tướng (physical form) tiếng nói (voice) và thái độ (behaviour). Hai căn này không khác với thân căn vì chúng tri nhận các cảm xúc. Nhưng do có sự khác biệt giữa nam và nữ nên lập thêm hai căn này.
2.1.4. Ưu, hỷ, khổ, lạc, xả (5 thọ căn)
Đây là năm thọ căn: ưu, hỷ, khổ, lạc, xả. 5 thọ căn là các cảm xúc. Đối với pháp nhiễm chúng tăng thượng. Ưu: bất duyệt, không thích ý. Khổ: bị tổn não. Lạc: thích ý, thoải mái, dễ chịu, loại thọ ở đệ Tam thiền, hành giả cảm nhận loại thọ này thông qua tâm/ý thức. Hỷ: ở Dục giới, Sơ thiền, Nhị thiền loại cảm thọ thoải mái, dễ chịu như vậy gọi là hỷ.
Năm thọ căn đôi khi đối với pháp tịnh có khả năng tăng thượng, như cảm thọ lạc khi tọa thiền nên gia tâm tinh tấn tu tập. Hành giả thấy cảnh khổ nên nhàm chán các pháp không tham đắm, khởi tín tâm tu tập.
2.1.5. Tín, tấn, niệm, định, tuệ
Chúng là những trạng thái tâm lý giúp chúng ta hoàn thiện tiến trình tu tập tâm linh. Các pháp thanh tịnh nhờ các loại căn này mà sinh trưởng. Chúng tăng thượng đối với các pháp thanh tịnh. Nhờ năng lực của chúng mà phiền não được hàng phục, Thánh đạo được thành tựu.
2.1.6. Mạng
Nó có công năng tăng thượng đối với sự tồn tại, từ khi sinh đến khi chết. Đức Phật dạy có ba pháp mạng sống, hơi ấm, thức khi rời thân thì thân sẽ bị sụp đổ giống như thân cây mà không còn hay biết gì nữa. Mạng sống là pháp có khả năng gìn giữ hơi ấm và thức đồng thời làm nhân cho sự tồn tại của thân tương tục.
2.1.7. Ba căn vô lậu: Ba căn giúp hành giả đạt được quả vị cao hơn, như quả Niết-bàn.
1) Vị tri đương tri 未知當知: Sẽ biết điều chưa được biết. Ở địa vị Kiến đạo có những điều chưa từng biết (khổ, tập, diệt, đạo), nay có hành tướng biết đang phát triển. Gọi đó là vị tri đương tri. Khi hành giả ở địa vị Kiến đạo nỗ lực tu tập tìm hiểu những điều chưa được hiểu, Tứ đế, hành giả trong tâm niệm nghĩ rằng ta sẽ hiểu được.
2) Dĩ tri căn 已知: ở địa vị tu đạo, không có cái chưa từng biết, đã biết tất cả những điều cần nên biết (khổ, tập, diệt, đạo). Do thường xuyên liễu tri nên gọi là dĩ tri căn. Khi hành giả ở địa vị Tu đạo, tu tập thiền quán về Tứ đế, hành giả không có gì mới để tìm hiểu, hành giả là người “đã biết”. Tuy nhiên để đoạn trừ các phiền não còn lại hành giả phải thường xuyên quán sát Tứ đế đã được liễu tri.
3) Cụ tri 具知:
Ở địa vị Vô học đạo, hành giả biết mình đã biết nên gọi là tri, tức biết rõ rằng mình đã biết tường tận Thánh đế. Có được cái biết này nên gọi là cụ tri. Hoặc huân tập cái biết này thành tánh nên gọi là cụ tri. Khi hành giả đã đạt được Tận trí và Vô sinh trí thì tự biết được như thật rằng “Tất cả những gì về khổ ta đã biết hết, không còn gì để biết về nó nữa”; “Tất cả những gì về tập ta đã biết hết, không còn…”, v.v…
Ba căn vô lậu là: vị tri đương tri, dĩ tri, cụ tri dựa theo ba đạo: kiến đạo, tu đạo, vô học đạo để kiến lập và lấy 9 căn (ý, hỷ, lạc, xả, tín, tấn, niệm, định, tuệ) làm thể. (見 修 無 學 道 依 九 立 三 根).[3]
2.2. Tâm sở pháp:
Tâm sở là các khía cạnh của tâm vương. Tâm vương chỉ đạo tâm sở thi hành. Các pháp hữu vi tuy tính chất bất đồng, thế nhưng không thể đơn độc phát sinh. Chúng phải có những pháp khác đồng thời nương nhau mới phát sinh, nên gọi là câu sinh. Sự câu sinh của các pháp có liên quan đến tâm vương và tâm sở.
Tâm sở pháp khi tiếp xúc cảnh vật khách quan nó tiếp thu tướng chung của các pháp như tác dụng của tâm vương và tướng riêng của các pháp. Chính tác dụng chủ quan thu nhận tướng riêng này, nó tùy thuộc vào tâm vương, sở hữu của tâm vương. Nên gọi nó là tâm sở hay tâm sở hữu pháp. Tâm và tâm sở nhất định phải cùng sinh khởi, nếu thiếu một thời các pháp không khởi. (心心所必俱 諸行相或得).[4]
Các loại tâm sở này bao hàm tất cả những trạng thái tâm lý của một cá nhân. Chúng được chia thành các nhóm, tùy theo tính chất của chúng. Có khi chúng chưa thiên hẳn về thiện hoặc ác, có khi chúng thuộc về thiện, có khi chúng thuộc về ác. Phân phân chia các trạng thái tâm của từng trường phái Phật giáo có khác nhau. Theo sự phân chia của luận Câu-xá thì Tâm sở có 46 loại, chia thành 6 nhóm:
1) Đại địa pháp có 10 thứ:
Địa chỉ cho tâm vương. Tâm vương là mảnh đất mà tâm sở hiện hành và lưu hành trên đó. 10 tâm này có công dụng rất lớn thông cả 3 tâm, thiện, ác và vô ký. Chúng là: thọ, tưởng, tư, xúc, dục, tuệ, niệm, tác ý, thẳng giải, tam ma địa (受想思觸欲 慧念與作意 勝解三摩地 遍於一切心).[5]
2) Đại thiện địa pháp có 10 thứ:
10 tâm sở này thuộc thiện tánh nên gọi là thiện. Có 10 loại: tín, cần, xả, tàm, quý, vô tham, vô sân, bất hại, khinh an, bất phóng dật. (信及不放逸 輕安捨慚愧 二根及不害 勤唯遍善心).[6]
3) Đại phiền não địa pháp có 6 thứ:
Tánh của 6 tâm sở này thuộc về ác và hữu phú vô ký, nhiễm ô hay làm não loạn lòng người. Có 6 loại: si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử. (癡逸怠不信 惛掉恒 唯 染).[7]
4) Đại bất thiện địa pháp có 2 thứ:
Vì tánh của 2 tâm sở này thuộc về ác, và khắp các ác tâm đều có nó xuất hiện nên gọi là đại bất thiện. Có 2: vô tàm, vô quý. (唯遍不善心 無慚及無愧).[8]
5) Tiểu phiền não địa pháp có 10 thứ:
Bản tánh của nó giống như đại phiền não. Nó chỉ khởi lên riêng biệt theo đệ lục Ý thức nên gọi là tiểu phiền não. Có 10 loại: phẩn, phú, san, tật, não, hại, hận, xiểm, cuống, kiêu. (忿覆慳嫉惱 害恨諂誑憍 如是類名為 小煩惱地法).[9]
6) Bất định địa pháp:
Tánh chất của các loại tâm sở này không thuộc thiện như Đại thiện địa, cũng không nhiễm ô như Đại và Tiểu phiền não địa pháp và đại bất thiện địa pháp. Nó tùy lúc trở thành thiện, hoặc ác, hoặc vô ký. Cho nên nó được gọi là bất định. Có 8 loại: tầm, tứ, hối, miên, tham, sân, mạn, nghi.
2.3. Tâm bất tương ưng hành:
Các loại này không tương ứng với tâm vương nên gọi là Tâm bất tương ưng hành. Chúng cũng không thuộc sắc, thọ, tưởng, thức. Có 14 loại: đắc, phi đắc, mênh căn, đồng phận, vô tưởng định, vô tưởng quả, diệt tận định, sinh, trụ, dị, diệt, danh thân, cú thân, văn thân.
Tính chất của các pháp câu sinh:
Dù Hữu bộ chủ trương các pháp là thực hữu, nhưng vẫn chủ trương theo truyền thồng là chấp nhận quá trình thành hoại của các pháp. Các pháp có thể khởi thì gọi là sinh, có thể an gọi là trụ, suy gọi là dị, hoại thì gọi là diệt (此於諸法能起名生。能安名住。能衰名異。能壞名滅…相謂諸有為 生住異滅性).[10]
1) Tích chất hỗ tương sinh khởi của sắc pháp:
Sắc pháp là chỉ cho từ căn thân đến khí thế giới sơn hà, đại địa. Chúng đều do 4 đại năng tạo: đất, nước, gió, lửa và 4 đại sở tạo (cũng gọi là 4 vi trần): sắc, hương, vị, xúc hòa hợp tạo thành. Chính trong mỗi đại hay trong mỗi cực vi cũng đều có hòa lẫn các đại hay các cực vi khác.
2) Tánh chất câu sinh của tâm, và tâm sở:
Tâm sở có thứ thuộc thiện tánh, có thứ thuộc ác tánh, có thứ thuộc vô ký tánh và có thứ thông cả 3 tánh. Do vậy nên khi tâm vương khởi thiện thời cùng tương ưng với tâm sở thiện. Khi tâm vương khởi ác thời cùng với tâm sở ác tương ưng. Khi tâm vương khởi vô ký tất phải cùng tâm sở vô ký tương ưng.
2.4. Nhân quả:
Một trong những chủ đề quan trọng mà các luận sư thường bàn luận là thuyết nhân quả. Ngài Chúng Hiền (Saṃghabhadra) cho rằng học thuyết này nằm trong Thánh điển, và ngài đã trích dẫn 6 nhân nằm rải rác trong các kinh, Tăng Nhất A Hàm (Ekottarāgama).[11] Luận Đại Tỳ Bà Sa cũng nói rằng kinh chỉ đề cập 4 duyên, nhưng không nói đến 6 nhân (然此六因非契經說。契經但說有四緣).[12]
Theo ngài Thế Hữu (Vasumitra) Nhất-thiết-hữu bộ còn gọi là Thuyết Nhân bộ (Hetuvāda), bộ phái chú trọng về các nhân, trường phái chú trọng đến chủ trương giáo lý về nhân: nhất thiết hữu.
Câu xá chủ trương 6 nhân, 4 duyên, 5 quả
2.4.1. Sáu nhân:
Kệ tụng:
能作及俱有 同類與相應
遍行并異熟 許因唯六種 (T 29.30a)
1) Năng tác nhân (kāraṇa hetu, Efficient cause):
Đây là yếu tố chính trong việc tạo ra quả. Khi pháp hữu vi sanh khởi, chúng không gây chướng ngại cho sự sanh khởi của các pháp khác, có khi chúng có thể hỗ trợ khiến cho các pháp khác sanh khởi. Tất cả các pháp hữu vi có thể làm Năng tác nhân cho các pháp, ngoại trừ chính nó, do khi các pháp sinh không gây chướng ngại. (一切有為唯除自體以一切法為能作因。由彼生時無障住故).[13] Nhân này còn phân chia ra làm 2: (1) Hữu lực năng tác nhân và, (2) Vô lực năng tác nhân.
- Hữu lực năng tác nhân là động lực hỗ trợ trực tiếp đưa đến kết quả.
- Vô lực năng tác nhân là nhân đối với kết quả không có hỗ trợ trực tiếp và cũng không gây chướng ngại.
2) Câu hữu nhân (sababhū hetu, Co-existent cause):
Nhân này được xem là nhân mới do Nhất-thiết-hữu bộ phát triển. Nó là trọng tâm của học thuyết nhân quả của trường phái. Nó cũng là điểm giáo lý căn bản của Yogācāra. Thông thường về mặt thời gian, luôn luôn nhân trước quả sau, tức nhân quả khác thời. Nhưng về mặt không gian nhân quả lại đồng thời, cùng có một lúc, một chỗ nên gọi là câu hữu nhân. (俱有互為果 如大相所相 心於心隨轉).[14] Câu hữu nhân có 2 loại:
- Hỗ vi quả câu hữu nhân: tức nguyên nhân hỗ tương. Không có vật nào đứng riêng lẻ mà thành.
- Đồng nhất quả câu hữu nhân: tức nguyên nhân hợp đồng. Một người không thể tổ chức thành một xã hội. Nhiều người cùng mục đích mới tổ chức thành xã hội.
3) Đồng loại nhân (sabhāga hetu, Homogeneous cause):
Nhân quả tương tự gọi là đồng loại. Nghĩa là tất cả các pháp hữu lậu ở quá khứ và hiện tại có nhân quả đồng loại. Đây là quá trình tiếp nối liên tục, niệm trước tốt dẫn đến niệm tiếp theo tốt và niệm thứ hai tốt này làm nhân tốt cho các niệm kế tiếp. (同類因相似自部地前生).[15]
4) Tương ưng nhân (samprayukta hetu Conjoined cause):
Tương ưng nhân liên quan đến tâm vương và tâm sở. Tương ưng nhân giống như câu hữu nhân, vì nó là một phần của câu hữu nhân. Chỉ khác là câu hữu nhân có phạm vi bao quát cả vũ trụ vạn hữu sắc tâm. Còn tương ưng nhân thì chỉ giới hạn ở tâm vương và tâm sở. (相應因決定 心心所同依).[16]
5) Biến hành nhân (savartraga hetu Universal cause):
Biến hành đồng nghĩa với đồng loại. Nó là một phần của đồng loại. Nhưng đồng loại có phạm vi quán thông cả vũ trụ, còn biến hành này chỉ giới hạn ở 11 phiền não biến hành của tâm sở (遍行謂前遍 為同地染因).[17]
6) Dị thục nhân (vipāka hetu, Retribution cause):
Đây là nhân tạo tác (nghiệp nhân). Nó đưa đến quả khả ý hay bất khả ý. Do nhân thiện nghiệp mà cảm quả báo vui, do nhân ác nghiệp mà cảm quả báo khổ. Chỉ có pháp bất thiện và thiện hữu lậu làm dị thục nhân vì tính của chúng là chín (dị thục) (異熟因不善 及善唯有漏).[18] Các pháp vô ký ký không làm dị thục nhân vì tính của chúng yếu, không đủ lực đưa đến kết quả. Pháp vô lậu cũng không làm dị thục nhân vì chúng không bị ái tác động. Vipāka, vi=khác nhau, pāka loại quảà Vipāka là loại quả không giống với nhân của nó.
2.4.2. BỐN DUYÊN:
Duyên nghĩa là quan hệ, tương quan. Sự vật hình thành và tồn tại giữa những mối quan hệ chằng chịt phức tạp. có 4 duyên:
說有四種緣 因緣五因性
等無間非後 心心所已生
所緣一切法 增上即能作 (T 29.36b)
1) Nhân duyên:
Đây là yếu tố quan hệ mật thiết trực tiếp với kết quả. Nên trong 6 nhân nói trên trừ năng tác nhân, còn lại đều thuộc vào nhân duyên này.
2) Thứ đệ duyên:
Nghĩa là tiếp nối, còn gọi là Đẳng vô gián duyên. Đây là là nói về tâm và tâm sở. Tâm và tâm sở diễn ra trong trật tự liên tục từ hiện tượng trước đến hiện tượng sau.
3) Sở duyên duyên:
Gọi tắt là duyên duyên. Là duyên của sở duyên, của đối tượng. Chỉ cho khi tâm pháp sanh khởi ắt phải có đối tượng tức sở duyên. Nếu không có cảnh sở duyên thì tâm pháp chẳng có thể sanh khởi.
4) Tăng thượng duyên:
Nghĩa là khi các pháp sanh khởi duyên này không chướng ngại mà còn hổ trợ. Nó có 2 loại
- Thuận tăng thượng duyên: Duyên giúp thêm sự thuận lợi để phát triển, như mưa gió thuận thời đối với hoa màu.
- Nghịch tăng thượng duyên: Duyên giúp thêm một cách trái ngược làm lụn bại, như hạn hán đối với hoa màu.
2.4.3. Năm quả:
5 quả này chia ra làm 2 loại lớn:
1) Quả hữu vi: Quả hữu vi có 4:
- Dị thục quả: Còn gọi là quả báo. Do nhân dị thục chiêu cảm quả báo. Quả này cùng với nhân đã chẳng cùng thời, lại cũng chẳng tương tuỳ, tánh chất cũng chẳng giống nhau.
- Đẳng lưu quả: còn gọi là y quả, tập quả. 2 nhân đồng loại và biến hành sanh ra quả. Quả tương tự như nhân nên gọi là đẳng, quả từ nhân sanh ra nên gọi là lưu.
- Sĩ dụng quả: Còn gọi là sĩ phu quả. Sĩ là người, dụng là tác dụng của năng lực. Sĩ dụng là tác dụng của người. Có 2 thứ:
– Nhân sĩ dụng: Chỉ năng lực con người hoặc loài có tri giác tạo ra với trí tuệ và chân tay qua các công cụ lao động.
– Pháp sĩ dụng: Chỉ các pháp có năng lực tác động tạo ra quả giống như con người.
- Tăng thượng quả: nương theo tăng thượng lực của năng tác nhân và 4 duyên hợp thành có được kết quả.
2) Quả vô vi:
Ly hệ quả: Ly hệ là thoát ly sự ràng buộc của phiền não vô minh.
- KẾT LUẬN:
Chủ trương phân chia pháp của các trường phái Abhidharma Phật giáo rất đa dạng, có khi khác nhau. Sự giải thích dụng của các căn giúp cho hành giả hiểu rõ sự vận hành của mỗi loại. Từ đó có thể áp dụng pháp tu để phát triển, thiện căn, hay đoạn trừ, căn nhiễm.
Diễn tiến các khuynh hướng trạng thái tâm lý được phân tích chi tiết, hành giả biết được khuynh hướng tích cực, thiện, để phát triển, tiêu cực, ác, để chế ngự, điều phục. Hành giả có thể luyện tâm để đạt được trạng thái tự tại, thoát khỏi hệ lụy của phiền não.
Quan điểm về nhân quả (sáu nhân, bốn duyên và năm quả) của Nhất-thiết-hữu bộ nói riêng và của Phật giáo nói chúng nói lên chủ trương của Phật giáo về sự hiện hữu các pháp đều có nhân duyên, khác với một số chủ trương phi lý về vô nhân quả.
[1] T 29, no.1563, 795a.
[2] T. 29, no. 1558, 3c.
[3] T 29, no.1558, 14c.
[4] T 29, no.1558.18c
[5] T 29, no.1558, 19a.
[6] T 29, no.1558, 19a-b
[7] T 29, no.1558, 19c.
[8] T 29, no.1558, 20a.
[9] Ibid.
[10] T 29, no. 1558, 27a.
[11] T. 29, no.1562.416b-c.
[12] T.27, no.1545.79a-c.
[13] T. 29, no. 1558.30a.
[14] Ibid, 30b.
[15] Ibid, 31a.
[16] Ibid., 32b.
[17] Ibid., 32c.
[18] Ibid., 33a.