Giảng viên: TT. Thích Giác Hiệp
Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
Lớp Cao Đẳng chuyên khoa TP. Hồ Chí Minh
PHIỀN NÃO
(Tham khảo từ phẩm 121 đến phẩm 137)
I. ĐỊNH NGHĨA:
II. CÁC LOẠI PHIỀN NÃO:
A. THAM:
1. Các tướng của tham
2. Nhân của tham
3. Tác hại của tham
4. Phương pháp đoạn tham
B. SÂN:
1. Các loại sân
2. Nguyên nhân phát sinh
3. Tác hại của sân
4. Phương pháp đoạn trừ sân
C. SI:
1. Thế nào là vô minh
2. Tên gọi của vô minh
3. Nguyên nhân phát sinh
4. Tướng của người vô minh
5. Tác hại của si
D. MẠN
E. NGHI
III. KẾT LUẬN
I. ĐỊNH NGHĨA:
Phiền não là những loại tâm sở bất thiện khiến chúng sinh bất an, muộn phiền, si mê tạo ác nghiệp phải chịu sinh tử luân hồi.
II. CÁC LOẠI PHIỀN NÃO:
A. THAM:
Tâm ưa muốn, ham mê, đắm say, thích thú, cố giữ, keo kiết, ưng được thỏa mãn, mong được khoái lạc, danh vọng…
Tham là trạng thái mong cầu, truy tìm dục lạc qua năm giác quan, muốn thỏa mãn các dục lạc.
1. Các tướng của tham: tham có 10 tướng trạng. 10 tướng này mô tả nội tâm khi tham khởi.
2. Nhân của tham: các nguyên nhân khiến tham phát sinh, như: thức ăn, sắc đẹp, các thú vui…
3. Tác hại của tham: Do tham nên con người tạo ra nhiều nhân đưa đến khổ đau cho tương lai và không từ bất cứ thủ đoạn, âm mưa nào để đạt được mục đích. Như luận Thành Thật nói về tác hại của tham: “(1) Ý vị ít lỗi nhiều, (2) Tăng thêm sự ràng buộc, (3) Đến chết không chán, (4) Thánh quở trách, (5) Không ác nào mà không làm
4. Phương pháp đoạn tham: Luận Thành Thật nói rằng: “Nếu ai khéo tu tưởng vô thường có thể phá trừ được tất cả tham dục, tham sắc, tham vô sắc, tất cả hí trạo, kiêu mạn và vô minh”
B. SÂN:
Trạng thái của sân là mong muốn trừng phạt, gây khổ đau hoặc tàn phá đối tượng, như lòng thù ghét một người hoặc một đối tượng nào đó.
1. Các loại sân: sân có 3 loại nặng, nhẹ khác nhau: thượng, trung, hạ
2. Nguyên nhân phát sinh: Sân phát sinh là do chúng ta chẳng vừa ý, khổ não về một điều gì đó.
3. Tác hại của sân: hiện tại sắc diện xấu, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
4. Phương pháp đoạn trừ sân: Người tu pháp vô thường và nhẫn nhục thấu rõ các pháp niệm niệm sinh diệt, như kẻ gây hại, người bị hại đều diệt từng niệm, trong đó có gì đáng sinh giận. Nhờ vậy mà hành giả dứt trừ được tâm sân. Hành giả phải sáng suốt xét xem mình có lỗi hay không, nếu có lỗi thì lời mắng chửi của người đối diện là lời xây dựng, còn nếu như không phải lỗi của mình thời người đối diện phạm tội nói dối.
C. Si: còn gọi là vô minh.
1. Nghĩa của vô minh
Không nhận rõ được tính chất của pháp, hiện tượng. Con người do sự giả hợp của các uẩn, nhờ sự giả hợp này mà hình thành sắc thân nên không có ngã. Các pháp hình thành nên vạn hữu, do vậy nên không có ngã sở. Do phàm phu không phân biệt nên sinh ngã tâm.
2. Tên gọi của vô minh: vô minh, vô kiến, vô trí, ngu muội, vô tri, chẳng hiểu rõ sự lý. Trong kinh Phật thường gọi là vô minh.
3. Nguyên nhân phát sinh: do tà nhân, gần bạn ác, nghe tà pháp, suy nghĩ, thực hành theo tà pháp
4. Tướng của người vô minh: không sợ điều nguy hiểm, chấp sai trái, không hổ thẹn, không hay vui.
5. Tác hại của si: si là căn nguyên gây ra tất cả các tội lỗi. Chúng sinh do vô minh nên mong cầu một chút cảm thọ mà quên đi quả phải nhận trong tương lai, nên bị trói buộc vào sinh tử.
D. Mạn:
Mạn là phân biệt, chấp trước, cao ngạo và tự mãn. Do mạn nên chúng sinh hành bất thiện, chịu quả khổ trong tương lai. Mạn ràng buộc chúng sinh trong vòng sinh tử.
E. NGHI:
Nghi là trạng thái tâm lý không phân định được phải trái. Tâm lý không tin vào chính mình hoặc những hiểu biết của mình, hoặc chính việc tu tập của mình. Do không liễu tri hay thông đạt giáo pháp chúng ta đang nghiên cứu, tu tập nên nghi phát sinh.
III. KẾT LUẬN:
Trên đây là những loại phiền não căn bản có khả năng đưa đẩy chúng sinh vào vòng sinh tử luân hồi.
Mỗi loại phiền não có những đặc tính khác nhau nhưng có cùng kết quả là đưa đến khổ đau.
Mỗi trường phái có những pháp tu riêng có thể diệt trừ các loại phiền não
TT. Thích Giác Hiệp