ảnh: Uyên Đại Hải
Mọi kinh điển, giáo pháp của đức Phật đều là bản thuyết minh chỉ rõ phương pháp tu tập đạt an lạc, giải thoát ngay đây. Người tu học luôn nghĩ đến mục đích chính của mình là giải thoát và an lạc, cũng giống như con người sống trong một xã hội luôn luôn nghĩ tới tự do và bình đẳng. Người tu học có thể nói đến giải thoát, giác ngộ và an lạc rất nhiều mà không chứng nghiệm được giải thoát, giác ngộ và an lạc ngay trong đời sống của mình. Mọi người sống trong xã hội cũng vậy, họ nói đến tự do, công bằng xã hội, nhưng sự thật về công bằng, tự do không hề thấy có. Điều này không chỉ mọi người trong xã hội mắc phải, mà còn ngay cả những người tu cũng mắc phải.
Chính vì thế mà đức Phật đã thiết thực chỉ dạy cho mỗi con người chúng ta phương pháp hữu hiệu để con người tự cắt đứt được mối lo âu, sầu khổ trong kiếp sống, đó chính là không buông lung (Bất phóng dật). Bất phóng dật tức là đi ngược lại phóng dật. Chúng ta hay bất cứ ai sống trong bất cứ một xã hội nào, sống với đời sống nào mà không có một chút lý tưởng để đi tới chân trời thiện mỹ thì đó là sống phóng dật. Đời sống phóng dật là đời sống gây bao hư hại đối với đường giải thoát, đạt Thánh trí. Mọi say đắm kia như một loại thuốc nhuộm nguy hại. Nó nhuộm úa tàn năm giác quan làm Thánh trí không thể phát triển. Sự ham thích phóng dật kia tràn ngập khắp chiều sâu của tâm thức chúng ta. Ta cứ nối gót theo con đường mòn cũ của năm dục lếch thếch, lang thang như kẻ cuồng tử không nhìn phương hướng, bốn phương mù mịt, đó là phóng dật.
Như trên chúng ta đã biết, người tu có hạn chế nghe nhìn mọi thứ, thì mới có thể làm cho tâm mình ổn định được. Vì thế cho nên bất phóng dật có một giá trị lớn như thế; nó vừa có hạn chế nghe nhìn tức là chúng ta điềm đạm, tâm chúng ta được bình tĩnh. Hay nói một cách khác, khi tâm mình được ổn định, bình tĩnh tức là nó thuộc về thiền định. Khi nói đến thiền định là chúng ta phải nói đến phần thực tập. Phần đầu là Chỉ. Phần hai là Quán. Mà Quán có nghĩa là nhìn sâu, nhìn kỹ bằng mắt, bằng tai, bằng xúc chạm. Và chất liệu của sự thực tập là bất phóng dật đó là chính niệm, phải có năng lượng của chính niệm thì nhìn mới thấy, nghe mới hiểu. Khi tâm chúng ta yên tĩnh thì thấy được tự tính của bản thân mình, thấy được phòng khách của tâm thức mình, thấy được tất cả những hạt giống tích cực và tiêu cực trong con người của mình. Cái thấy đó là kết quả của Thiền định hay Thiền quán. Quán tức là nhìn sâu, nhìn kỹ, nhìn bằng mắt và nghe bằng tai. Có nhiều con đường thiền định, nhưng muốn nhìn cho sâu cho kỹ thì mình phải có một năng lực tập trung. Nếu tâm ta tán loạn tức là phóng dật thì năng lực chính niệm không có được là bao. Năng lực của chính niệm mà bạc nhược thì nhìn không sâu, không kỹ giống như là tâm ta buông lung chạy nhảy lung tung theo mọi thứ ham thích của mình. Ngược lại, nếu nhìn cho sâu, nhìn cho kỹ tức là tâm ta được ổn định, tâm luôn ở trong chính niệm hàng ngày của mình. Mà đời sống hàng ngày phải được hướng dẫn bằng nguyên tắc Chỉ. Chỉ là sự chấm dứt loạn tưởng, chấm dứt sự phóng túng, buông lung chạy nhảy của tâm ta. Chỉ làm giàu cho chính niệm. Khi năng lực của chính niệm trở nên giàu có, nhìn thì ta thấy, tiếp xúc thì ta tạo ra năng lực chuyển hóa được tâm của ta, xúc chạm đến thân thì ta chuyển hóa thân, xúc chạm đến tâm thì ta chuyển hóa tâm. Đó là tiếp xúc với một cảm thọ.
Muốn dập tắt được phóng dật thì hàng ngày, hàng giờ chúng ta phải siêng năng tầm đạo, luôn luôn cẩn thận tâm ý không cho nó buông lung phóng túng, phải luôn luôn giác quán ý thức được sự giục giã cuốn trôi của già chết. Ta phải hoàn thành đạo nghiệp vững chắc trong một kiếp hữu hạn trước khi cái chết ập đến với chúng ta. Trong Kinh Niết Bàn đức Phật có nói rằng: “Phóng dật tức là buông lung chính là nguồn gốc của các điều ác,, chẳng buông lung là nguồn gốc của các điều lành. Hay trong kinh Chính Pháp Niệm xứ Đức Phật cũng nói rằng: “Lỗi phóng dật, buông lung, nặng nhất trong các lỗi. Người ngu ưa buông lung nên thường bị khổ não. Nếu ai xa lìa buông lung thì được an vui. Tất cả cái khổ não buông lung làm cội gốc, cho nên muốn hết khổ não cần phải bỏ buông lung”
Để đạt được “Bất phóng dật’’ ngay trong đời sống hiện tại, chúng ta phải luôn luôn khéo cắt đứt mọi thứ khát khao mong muốn, những ước vọng không nguôi về năm dục. Muốn chấm dứt vĩnh viễn sự tái sinh luân hồi khổ đau này thì ngay giờ phút này ta phải làm mới lại cách sống, giải trừ mọi hệ thống tâm lý cũ. Khi vọng niệm ta bực bội cau có nhưng chợt tỉnh biết thì cơn buồn giận hay bực tức đó lắng xuống, dịu đi. Cơn giận đó tự nó tan biến đi. Sự tỉnh sáng đó là nguồn năng lực đã làm cho tâm ta đạt trạng thái an lạc và giải thoát.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy rằng: “Phản văn văn tự tính” có nghĩa là chúng ta dùng thiền định quán chiếu, quay cái nghe sinh diệt trở về với cái nghe tự tính hay tự tâm bất sinh bất diệt của chính mình. Từ rất lâu chúng ta cứ quen sống theo con đường mòn cũ bị vô minh vọng tưởng dẫn đi. Do vậy, vì vô minh ta biến cái nghe cái thấy không sinh không diệt của chúng ta theo thanh trần có sinh có diệt, có còn có mất… nên cái thấy cái nghe của chúng ta thành ra có sinh có diệt, đưa đến thảm trạng luân hồi. Bây giờ “Phản văn văn tự tính” tức là “bất phóng dật” tức là chúng ta tuy vẫn nghe thanh trần và tiếp xúc với chúng, nhưng nhờ sự quán chiếu biết đâu là phải đâu là sai, đó là ta quay về cái tỉnh biết thấy nghe mọi sự mọi vật với lý không sinh không diệt ở ngay tâm mình. Từ nơi đó tất cả vô minh vọng tưởng của chúng ta đều tan biến. Khi chúng ta trở về cái thấy cái nghe hay biết thật giải thoát của chính mình thì ta đi vào giác tính, tương ưng với hiện tại, khế hợp với chân như. Như vậy, nhờ ở động tác căn bản là Bất phóng dật mà ta đạt viên mãn giải thoát, đạt vô sinh đời đời không còn bị chìm đắm trong luân hồi.
Thường Minh
(nguồn: Tuyển tập Tri thức Phật giáo số 2, 2011)