LÝ TƯỞNG BỒ-TÁT
TT.TS. THÍCH GIÁC HIỆP (Ph.D)
1. GIỚI THIỆU:
Sự phát triển lý tưởng Bồ-tát là một trong những thành tựu quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa. Lý tưởng Bồ-tát rõ ràng có một vài khác biệt so với lý tưởng A-la-hán. Hai lý tưởng này là những điểm giáo lý đặc thù của Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo phát triển. Một vị A-la-hán là người đã hoàn toàn giải thoát, không còn tái sinh, có nhiệm vụ truyền bá chính pháp cho mọi người. Đức Phật khuyên bảo các đệ tử nên sống với lý tưởng này, lợi ích và giải thoát cho mình và cho số đông. Lý tưởng A-la-hán như thế đã được các đệ tử Phật thực hành trong suốt 3 thế kỷ sau khi Phật nhập diệt.
Thời gian trôi qua dường như các đệ tử Phật quên đi một số khía cạnh quan trọng của lý tưởng A-la-hán, như nghĩa vụ truyền bá chính pháp lợi lạc cho số đông. Sự lãng quên này diễn ra trong những thế kỷ tiếp theo tức vào khoảng thế kỷ thứ 2 TTL. Các vị lo cho tự ngã nhiều và thích ẩn cư, thiền quán, không thích dấn thân vào xã hội để làm lợi lạc quần sinh. Các vị chỉ chú trọng đến sự giải thoát khổ đau cho chính tự thân, không lo nhiều đến việc giáo hóa và giúp đỡ mọi người. Lý tưởng Bồ-tát Đại thừa được hình thành để chống lại tư tưởng thiếu nhiệt tâm của một số tu sĩ trong việc truyền bá chính pháp, lợi lạc quần sinh.[1]
Sau thời đại hoàng đế A-dục (chết năm 232 TTL) tu sĩ Phật giáo sống trong cộng đồng tu viện rộng lớn, được các vua, quan và thương gia giàu có ủng hộ tài chánh. Tu sĩ Phật giáo không gặp khó khăn về các vấn đề tài chánh, nhiệm vụ gia đình và xã hội, họ có thể cống hiến cho việc nghiên cứu giáo lý, thiền quán lâu dài và tìm kiếm giải thoát, những hoạt động vượt xa khả năng của người Phật tử tại gia. Họ sống khép kín trong tu viện.
Xã hội loạn lạc, người dân khổ đau vì chiến tranh, cướp phá, sát hại, và nghèo đói. Người ta cần nhu cầu thực tế, cơm áo, gạo tiền. Giáo lý nghiệp báo, luân hồi, nhấn mạnh công đức thiền định, lối sống tôn giáo không làm nhẹ nỗi lo âu của con người và không đưa ra lối giải thoát có thể thực hành trong điều kiện sống hằng ngày thực tế.
Lý tưởng Bồ-tát phát triển với việc thực hành tôn giáo thực tế. Ngược với nhóm tu sĩ bảo thủ, người theo Đại thừa rất tích cực hướng dẫn quần chúng tu tập, hoạt động xã hội. Thông thường hơn, chính bồ-tát là những cư sĩ. Hình ảnh người tu sĩ tôn giáo thay đổi nhanh. Tu sĩ Phật giáo hoặc sống trong một tu viện hoặc thiền định nơi hoang vắng. Nhưng bồ-tát, đặc điểm được mô tả trong kinh Bát-nhã thường là người giàu có và quyền lực, sống trong những lâu đài lộng lẫy trong các thành phố, các kiểu mẫu giáo dục, đạo đức và hùng biện, được mọi người yêu kính, đẹp trai nhiều người nữ bao quanh kính mộ, và khi cần, đầy nghị lực và dũng cảm. Bồ-tát được diễn tả là người hoạt bát, dễ gần gũi, thế tục. Trong Bồ-tát, tôn giáo và thế tục biến thành một.
Giải thích thuật ngữ:
Theo từ nguyên học, thuật ngữ kết hợp bởi 2 từ: Bodhi và sattva.
bodhi : giác ngộ, tỉnh thức (enlightenment)
sattva : từ này được giải thích nhiều nghĩa khác nhau, như:
1) Thật tính, tự tính (true essence, nature, essence). Bodhisattva có nghĩa: trí tuệ là thật tính, tự tính của con người.
2) Chúng sinh, hữu tình (living being, sentient being). Như vậy Bodhisattva có nghĩa: một hữu tình giác ngộ.
3) Tinh thần, tâm, thức. Như vậy Bodhisattva ở đây có nghĩa: Người có tâm, ý định, tư tưởng hay ước nguyện phù hợp với giác ngộ.
4) Thai tạng chứa đựng tri thức, tri thức đang tìm ẩn, chưa phát triển.
5) Sự sáng suốt.
6) Năng lực, sức mạnh, nhiệt tâm. Đây có nghĩa: Người có năng lực hướng đến giác ngộ.
Lý tưởng Bồ-tát có nguồn gốc từ chính Phật giáo không bị ảnh hưởng bởi Hindu hay Jaina. Không có từ bodhisatta hay bất cứ một từ nào có cấu tạo tương tự xuất hiện trong văn chương Vệ-đà văn chương Hindu hay Jaina.[2]
2. Sự hình thành khái niệm Bồ-tát:
2.1. Bồ-tát Phật giáo Nguyên Thủy
Trong 3 trường phái chính của Phật giáo sơ kỳ Thượng-tọa bộ (Sthaviravāda) Đại chúng bộ (Mahāsaṇghika) và Nhất-thiết-hữu Bộ (Sarvāstivāda), (2 trường phái sau bắt nguồn từ Thượng-tọa bộ), Thượng-tọa bộ chủ trương lý tưởng A-la-hán. Nhất-thiết-hữu bộ chủ trương quan điểm mọi hành giả chẳng những có thể đạt được quả vị A-la-hán mà còn đạt được quả vị Duyên giác hay Phật. Đại chúng bộ tin rằng chỉ có một Bồ-tát là tiền thân của Phật Thích-ca. Trước khi thành Phật ngài đã tu tập trải qua nhiều kiếp trong quá khứ. Theo Thượng-tọa bộ từ bodhisatta được sử dụng để chỉ riêng cho Đức Phật Gautama trước khi ngài chứng đạt giác ngộ. Tất cả những việc làm của ngài trong quá khứ gọi là Bồ tát hạnh. Như vậy Bồ tát chỉ cho tiền thân của Phật, và Bồ tát là giai đoạn trước khi Phật chứng đạt quả vị Phật như được ghi trong Jātaka và một số kinh khác. Bằng cách áp dụng giáo lý nghiệp và tái sanh, được chấp nhận ở Ấn độ ngay cả trước Phật giáo ra đời, Phật giáo Nguyên Thủy sử dụng thuật ngữ Bồ-tát rộng hơn để ám chỉ những kiếp quá khứ của thiện nhân tầm cầu giác ngộ.[3]
Khi chứng đạt giác ngộ Phật sinh hoạt, sống và chết giống như một con người. Chính ngài tuyên bố ngài là Phật và không phải thiên thần hay một chúng sinh siêu nhiên nào. Ngài chỉ là người phát hiện ra chân lý. Sự vĩ đại của ngài là đã tìm ra chân lý vẫn hiện hữu nhưng các triết gia, các nhà khai sáng tôn giáo cùng thời không nhận rõ được hay chỉ nhận ra một cách phiến diện. Ngài là người siêu việt, hoàn thiện trí tuệ và đạo đức. Nguyên Thủy Phật giáo quan niệm Đức Phật không phải là một nhà siêu hình lý thuyết hay một nhà duy vật. Ngài cũng không phải là một nhà tôn giáo, đòi hỏi sự trung thành vô điều kiện của tín đồ. Ngài là một người đã tự hoàn thiện đạt được trạng thái tinh thần ở mức độ cao nhất mà con người có thể đạt được.
Có 18 trạng thái bất hạnh Bồ-tát không sanh vào. Ngài không bao giờ mù, điết, điên, què, giữa những loài độc ác, nô lệ, người cùi, tà đạo. Ngài không bao giờ thay đổi giới tính, không phạm ngũ nghịch tội. Nếu có sanh vào loài thú, ngài không bao giờ làm loài lớn hơn voi hay nhỏ hơn chim cút. Ngài không sanh trong loài ngạ quỷ hay a-tỳ địa ngục…. Ngài không sinh vào ma đạo, vô sắc giới… Bồ tát sinh vào nhiều hình thức chúng sinh là do nguyện lực không phải nghiệp lực, sự sinh này là nhằm vào mục đích truyền bá chính pháp cho mọi chúng sinh. Những quan điểm này chúng ta có thể tìm thấy trong Chuyện tiền thân (Jātaka), Học Xứ Yếu Tập (Śikṣāsamuccaya), Nhập Bồ-tát hạnh (Bodhicaryāvatāra). Bồ-tát sinh ra không từ sự dơ nhớp. Khi ngài sinh, có 2 vòi nước nóng, lạnh từ trên trời tưới xuống tắm mẹ và con. Thái tử đi về hướng Bắc bảy bước, đứng vững, nhìn mọi hướng và thấy không ai bằng mình, tuyên bố ngài siêu việt trên mọi cõi và đây là kiếp sống cuối cùng của ngài. Sau khi sinh 7 ngày, người mẹ chết. Bà chết vì bà không còn mang bất cứ chúng sanh nào.[4]
Danh hiệu Phật bắt đầu chỉ từ lúc ngài giác ngộ. Thỉnh thoảng Đức Phật đề cập đến những kiếp trước của mình trong các bài pháp mà Phật giảng cho mọi người để giải thích một điểm giáo lý nào đó. Chúng ta thường thấy những cụm từ Phật sử dụng như: “Khi ta vẫn còn là Bồ-tát”. Những quan điểm này được tìm thấy trong các kinh, như: kinh Mahāgovinda, (Kinh Đại Điển Tôn, kinh số 19, nói về cuộc đời quá khứ của Phật Thích-ca ),[5] và Makhādeva (Trung bộ II, kinh 83, nói về cuộc đời quá khứ của Phật Thích-ca),[6].v.v…
Theo quan điểm Nguyên Thủy, cuộc sống cuối của Bồ-tát trên cung trời Tuṣita (Tuṣita dịch âm là Đâu-suất, dịch nghĩa là Hỷ túc, Diệu túc), ngài có những năng lực kỳ diệu của những vị thần Ấn Độ. Một Thánh nhân như vậy ở trên cõi trời Tusita trong kiếp sống cuối cùng, chọn đúng thời gian để sinh vào loài người. Thánh điển Pāli công nhận Bồ-tát như là một chúng sinh hy hữu xuất hiện trong một thời điểm không gian và thời gian nhất định. Những tác phẩm sau này như Phật sử (Buddhavaṃsa, thơ kệ về 24 vị cổ Phật), Sở Hạnh Tạng (Cariyapitaka, 35 chuyện tiền thân Phật), chú sớ Pāli và Kinh Đại thừa tiếp tục phát triển khái niệm Bồ-tát. Nguyên Thủy không chấp nhận nhiều vị Phật và Bồ-tát ở trời Tuṣita. Như chúng ta biết tư tưởng của Thinh văn là giải thoát cá nhân, không lấy việc độ tha làm điều tất yếu.
Thinh Văn được xem là lý tưởng tối cao của Nguyên Thủy còn việc hành Bồ tát đạo như Đại Thừa họ không chú trọng, đôi khi tự cho rằng mình không đủ khả năng để hóa độ tất cả chúng sinh như hạnh nguyện của Bồ-tát Đại thừa. Theo Nguyên Thủy trải qua hàng ức triệu năm mới có một Đức Phật ra đời. Như vậy không có 2 vị Phật cùng ra đời. Họ chỉ chấp nhận vị Bồ tát tiền thân Phật Thích Ca, không chấp nhận các vị Bồ-tát khác như Văn Thù, Phổ Hiền hay Quan Âm.
Trong những Thánh điển sau này lý tưởng Bồ-tát cùng nhiều khái niệm khác phát triển, như Bồ-tát nguyện. Ví dụ như trong Sutta Nipāta, từ “Boddhissattva” dùng để chỉ Đức Phật lịch sử trước khi Ngài đạt giác ngộ và chỉ cho một bị tu tập hướng đến Phật quả. Thêm vào đây lý tưởng Bồ-tát đề cập vị Bồ-tát với đức tính từ bi vì lợi ích số đông:[7]
…Sẽ chuyển bánh xe pháp,
Thấy thanh tịnh tối thắng,
Vì lòng tử thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người…
2.2 Bồ-tát Đại thừa Phật giáo:
Theo T. R. V. Murti phong trào Đại thừa phát triển sau Đức Phật nhập Niết-bàn, và có hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu tiên (sau Phật nhập Niết-bàn đến cuối thế kỷ I TTL) các nhà Đại thừa hình thành giáo lý. Giai đoạn tiếp theo (từ đầu thế kỷ I TL đến thế kỷ VI) phát triển giáo lý, họ bắt đầu có những công kích Nguyên Thủy.[8] Như vậy, phong trào Đại thừa hình thành và phát triển trong hơn 8 thế kỷ.[9] Phong trào Đại thừa có nguồn gốc từ Phật giáo Nguyên Thủy. Lời dạy của Phật chứa đựng những vấn đề liên quan đến những vấn đề, như: xã hội, đạo đức, chính trị. Lời dạy được truyền thừa theo hình thức khẩu truyền. Khi Đức Phật còn tại thế nếu có những sự không hài lòng về lời dạy của Ngài thì được Ngài giải thích. Sau này, khi Ngài đã nhập Niết-bàn chính do các bất đồng về giáo lý giữa các đệ tử Phật nên có sự phân phái. Theo Nguyên Thủy không ai có thẩm quyền thay đổi nội dung Thánh điển. Ngược lại Đại thừa giải thích lời dạy của Phật tùy theo hoàn cảnh, tình huống.
Văn chương Đại thừa có những phê phán các nhà Nguyên Thủy có tư tưởng tự lợi, chỉ lo giải thoát cho cá nhân. Bồ-tát là bậc hoàn thiện sáu pháp tu, lợi ích hữu tình, tịnh Phật độ… Theo kinh Đại Bát-nhã, Đức Phật có nói đức và trí của Thinh văn không thể sánh với Bồ-tát.[10]
Pháp tu của Bồ-tát…Theo luận Đại Trí độ:
佛今說六波羅蜜多有所能,大乘法中則能含受小乘,小乘則不能。[11]
Một trong những vị tổ của Phật giáo Đại thừa đầu tiên đồng nhất Bồ-tát thừa với Đại thừa và Thinh văn thừa với Tiểu thừa là ngài Long Thọ (Nāgārjuna khoảng 150 – 250). Ngài Long Thọ cho rằng Thinh văn thừa không có tư tưởng Bồ-tát, theo tác phẩm Xâu Chuỗi Vàng (Rājaparikathā-ratnamālā):
Những chủ đề liên quan đến Bồ-tát hạnh
Không được nói đến trong kinh điển của Thinh văn thừa
Nhưng được giải thích trong Đại thừa
Do vậy người trí nên chấp nhận những điều đó như lời Phật.
The subjects concerned with the Bodhisattva deeds
Were not mentioned in the [Hearers’ Vehicle] sutras
But were explained in the Great Vehicle.
Hence the wise should accept it [as Buddha’s word].[12]
Ngài Asaṅga (khoảng 320–390) thừa nhận trong tác phẩm Đại thừa Trang nghiêm Kinh luận (Mahāyānasūtrālaṃkāra): Đại thừa và Thinh Văn thừa đối nhau.[13]
Ngài Nguyệt Xứng (月稱, Candrakīrti, khoảng 570–650), tổ sư nổi tiếng của Trung Quán tông, chỉ sau ngài Long Thọ, trong Nhập Trung Quán luận (Mādhyamakāvatāra), cho rằng giữa Đại thừa và Tiểu thừa có sự trái ngược.[14]
Ðại Thừa chủ trương mọi người đều có khả năng thành Phật, giác ngộ. Bậc đã giác ngộ có trách nhiệm giúp người khác giác ngộ. Quan điểm của Ðại thừa có tính nhập thế, tham gia làm lợi ích cho xã hội. Như vậy mọi người đều có thể là Bồ-tát có trách nhiệm giáo hóa quần sinh. Đại thừa giải thích có vô số Phật và Bồ-tát trên cõi trời Tuṣita. Các ngài thực hành hạnh lợi tha. Luôn tích cực hoạt động phục vụ chúng sinh.
Giáo lý Bồ-tát Đại thừa đề cập đến các vị Phật trong tương lai.[15] Chư Bồ-tát đang hành Bồ-tát đạo để chứng đắc Phật quả trong tương lai như Phật Di-lặc. Kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống (Cakkavatti-sīhanāda), là một trong những kinh có đề cập đến Phật Di-lặc sớm nhất.[16] Kinh này có thể được hình thành ngay sau thời vua A-dục (thế kỷ III TTL) tức khoảng năm 200 TTL hoặc sớm hơn. Vì nội dung kinh có những điểm giống trong các bia ký của vua A-dục. Khi giáo lý Phật tương lai được chấp nhận, niềm tin Bồ-tát được phổ biến. Như vậy sự phát triển lý tưởng Bồ-tát của Đại thừa Phật giáo dựa trên cơ sở lý tưởng nguyên thủy. Những hình tượng thuộc nghệ thuật Gandhāra và Mathurā cho thấy các vị Bồ-tát Di-lặc, Quán Âm trong hình thức con người sang trọng thường có râu mép, đeo đồ trang sức. Những hình tượng này thường thấy trong các bảo tàng viện trưng bày nghệ thuật Gandhāra và Mathurā.[17] Khi nhìn vào những hình tượng này chúng ta biết ngay những tượng Bồ-tát này thuộc trường phái nghệ thuật nào.
Theo quan điểm Đại thừa, một vị Bồ-tát không nhất định phải là những nhà tu hành và theo đạo Phật, Bồ-tát bao gồm đủ mọi hạng người. Bồ-tát thật sự là Bồ-tát khi không còn chấp thủ một điều gì và luôn có tâm buông xả tất cả kể cả hạnh phúc của riêng mình, thực hành 6 pháp Ba-la-mật. Trong kinh Bát Nhã Bồ-tát thường kết hợp từ Đại nhân (Mahāsattva).[18] Chúng ta thấy sự phân chia bộ phái trong Phật giáo bắt đầu từ thời kỳ kiết tập Kinh điển lần 2. Với sự tách biệt của Đại chúng bộ cũng góp phần cho việc phát triển khái niệm Bồ-tát trong văn chương Đại chúng, nó đánh dấu sự bắt đầu của Đại thừa. Giáo lý của Phật giáo là vừa lý thuyết và thực hành, trước tiên hành giả phải thông đạt được lý thuyết sau đó mới áp dụng vào thực tiễn qua việc tu tập, rèn luyện tinh thần. Hành giả sẽ loại trừ trạng thái tiêu cực của tinh thần và đạt được sự an lạc của Niết-bàn. Mỗi chúng sanh có khả năng đạt được trạng thái an lạc này. Đến đây chỉ đạt được tự lợi, tư tưởng Bồ-tát nhấn mạnh đến lợi tha. Tuy mình được an, mình không làm tổn hại ai nhưng mình chưa đem lại lợi ích cho số đông, cho nhiều người thì chưa phải tinh thần Bồ-tát Đại thừa.
Tư tưởng Bồ-tát Đại thừa phê phán quan điểm không uyển chuyển và tính tự lợi không lợi tha, không phải chống đối tư tưởng A-la-hán. Thời gian trôi qua người ta hiểu lầm biến sự chỉ chỉ trích tính tự lợi thành sự phản đối quan điểm A-la-hán. Giáo lý của Phật giáo đi từ tự lợi đến lợi tha, không dừng lại ở tự lợi ở sự quá cứng nhắc. Chính vì vậy mà một trong những pháp thực hành được xem trọng của Bồ-tát là Phương tiện thiện xảo. (còn tiếp)
[1] H. Dayal, Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1999), 2.
[2] L.S. Kawamura, (ed) The Bodhisattva Doctrine in Buddhism, (Delhi: Sri Satguru Publications, 1997), 21.
[3] N.Dutt., Buddhist Sects in India, (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1998), 77.
[4] Ibid: 78.
[5] HT. Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Trường Bộ II, (TP.HCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991), 81ff.
[6] Idem, (dịch) Kinh Trung Bộ, (Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992), 531.
[7] HT. Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Tiểu Bộ I, (TP.HCM: VNCPH, 1999), 671.
[8] T.R.V. Murti, The Central Philosophy of Buddhism: A Study of Madyamika System, (New Delhi: Munshinram Manoharlal Publishers, 1998), p.77.
[9] W.M.McGovern, Introduction to Mahayana Budddhism, (New Delhi: Munshinram Manoharlal Publishers, 1997), p.20.
[10] E. Conze, (tr.) The Large Sutra on Perfect Wisdom: With the Divisions of the Abhisamayalankara, (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1990), p.58.
[11] Đ.25.416.1.
[12] Nāgārjuna, Precious Garland of Advice for the King and the Song of the Four Mindfulnesses, trans. Jeffrey Hopkins and Lati Rimpoche, The Wisdom of Tibet Series, No. 2 (London: George Allen and Unwin, 1975), v. 393.
[13] Asaṅga, Mahāyānasūtrālaṃkāra, trans. Surekha Vijay Limaye, Bibliotheca Indo-Buddhica Series, no. 94 (Delhi: Sri Satguru Publications, 2000), 1:9.
[14] Louis de La Vallée Poussin, “Bodhisattva” Encyclopaedia of Religion and Ethics (New York: Charles Scribner's Sons, 1913), 8:334.
[15] L.S. Kawamura, (ed) The Bodhisattva Doctrine in Buddhism, (Delhi: Sri Satguru Publications, 1997), 27.
[16] HT. Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Trường Bộ II, (TP.HCM: VNCPH, 1991), no. 26.
[17] L.S. Kawamura, Op. Cit.: 28
[18] T. Yoshinori., (ed.) Buddhist Spirituality: Indian, Southeast Asian, Tibetan, Early Chinese, Vol. 1, (Delhi: Motilal Banarsidass, 1995), 146.