Giảng viên: TT. Thích Giác Hiệp
Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
Lớp Cao Đẳng chuyên khoa TP. Hồ Chí Minh
HÌNH THÀNH LUẬN
(Tham khảo: P. 13 Lập Luận, P. 14 Luận môn, P. 15 Tán luận)
I. Đại ý:
Lập luận: Sự tranh luận về sự hình thành luận thư. Có một số người đưa ra nhiều lý do nhằm biện bác để đi đến kết luận là không nên tạo luận này. Luận sư cũng đưa ra những quan điểm của mình để ủng hộ chủ trương tạo luận.
Luận môn: Nguyên lý của luận. Luận sư cần biết 2 mặt của một vấn đề, thế giới môn và đệ nhất nghĩa, thế tục và Hiền thánh môn, quyết định và không quyết định…
Tán luận: Luận thư làm sáng tỏ các pháp: ấm, giới, nhập. Nhờluận người học đạt được tự lợi và lợi tha.
II. Nội dung:
A. Quan điểm về việc tạo luận:
1. Quan điểm không nên tạo luận:
Có người đưa ra ý kiến là chẳng nên lập luận để luận giải lời Phật dạy vì nhiều lý do, như:
Phật là bậc Nhất thiết trí, phàm phu khó hiểu thấu được lời dạy của ngài. Do vậy dễ diễn giải sai lệch lời của ngài.
Giáo pháp chỉ có Phật mới hiểu được nếu lập luận sẽ diễn giải sai lời Phật dạy và sinh ra tranh luận.
2. Quan điểm thành lập luận thư:
Luận sư bác bỏ quan điểm trên và đưa ra một số lý do để tạo luận:
Trong một số kinh khi các luận sư lĩnh hội được ý Phật, Phật đều khen ngợi, như ngài Ca-chiên-diên. Hoặc một số vị xin tạo luận đều được Phật cho phép, như Ưu-đà-di, Đàm-ma-trần-na. Do vậy nên tạo luận.
Nếu kinh được luận giải thích thì nghĩa lý sẽ được rõ và dễ hiểu hơn, pháp bảo được trụ thế lâu dài. Do vậy nên tạo luận.
Vì để giảng giải, phá bỏ các môn luận nghị thế gian, tà thuyết của ngoại đạo cần có những luận thư. Nếu không tạo luận thì không thể giải thích, bác bỏ tà thuyết. Do vậy nên tạo luận.
Sự thành lập luận được Phật tán thán. Chính nhờ các luận thư mà lời dạy của Phật được giải thích rõ, từng quan điểm, tư tưởng được sắp xếp có hệ thống. Luận thư cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đả phá các tà thuyết.
B. Luận môn:
Để lợi ích cho số đông, tùy trình độ thính chúng, có khi Phật sử dụng tục đế có lúc Phật sử dụng chân đế.
Các pháp tuy nhiều nhưng không ra ngoài Nhị môn: 1) Thế giới môn và, 2) Đệ nhất nghĩa môn.
- Thế giới môn:
Thế giới môn hay tục đế: đây là nói về mặt tương đối của một pháp. Đứng về mặt tục đế chúng ta thấy có sự sai biệt của vạn tượng, vạn pháp trong vũ trụ. Sự vật dù chúng ta nói có hay nói không cũng đều chưa phải chân lý của vũ trụ. Đứng về tương đối, tức nói về thế giới môn nên có tâm, có đối đãi, nghiệp báo…
2. Đệ nhất nghĩa môn:
Đệ nhất nghĩa môn hay chân đế: đây là mặt tuyệt đối của pháp. Tất cả hiện tượng trong vũ trụ là không.
此五陰中無我我所。(Đ.32.248.1)
Tâm sinh diệt trong từng niệm do nhân duyên, ngũ ấm tiếp nối nên nói có sinh tử.
Bất cứ Phật đề cập đến một pháp nào cũng dựa trên chân đế và tục đế. Các pháp trong thế gian không ra ngoài chân đế và tục đế. Lìa 2 đế này các pháp không thể thành tựu.
C. Tán luận:
Luận thư làm sáng tỏ các pháp: ấm, giới, nhập. Nhờ luận người học đạt được tự lợi và lợi tha.
Luận giúp hành giả dứt trừ được 2 món sử, lợi sử và độn sử.
Học tập luận này sẽ đạt được chính trí.
III. KẾT LUẬN:
Luận thư đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chính pháp. Luận làm sáng tỏ nghĩa lý, bác bỏ tà thuyết.
Người khéo sử dụng phương tiện trong tranh luận là người hiểu rõ được tình huống, khi nào đề cập đến chân đế và khi nào đề cập đến tục đế.
Để thành tựu được nhiều mặt trước phải đạt được tự lợi rồi mới có lợi tha.
TT. Thích Giác Hiệp