Chùa Diệu Giác nguyên danh là chùa Sắc Tứ Viên Tôn, được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban biển ngạch Sắc tứ vào ngày mùng 8 tháng 6 năm Giáp Tuất- 1754 triều Cảnh Hưng thứ 15, tọa lạc tại thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn.
Từ trung tâm Thành phố Quảng Ngãi, theo đường quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 21cây số, vừa qua khỏi cầu Phủ sẽ thấy ngôi chùa nằm phía tay trái, ẩn mình trên vông đất cao, có 4 câu đối ở trụ cổng tam quan:
Diệu cơ vô lượng tam thiên giới
Giác thế hoằng khai bát nhã môn
Bồ đề địa tọa tâm thanh tịnh
Bát Nhã môn khai trí huệ đăng
Hiện nay, bàu Tiên Đào vẫn còn vết lòng trũng mà phù sa chưa bồi đắp hết, và theo lời truyền lại của quý đạo hữu cao niên, thì xưa kia, sông Trà Bồng có dòng chảy chính ở trước chùa, qua cầu Phủ, xuôi về bến Bính. Cho nên chùa Diệu Giác nằm bên bờ tả ngạn sông Trà Bồng mà tiền nhân am tường về địa lý nói rằng, chùa có thế “Long Bào thủy tụ” và dân Bình Sơn tự thuở nào đã truyền nhau câu ca:
Sông chùa khúc lở khúc bồi
Bên cầu cảnh Phật luân hồi bóng trăng
Đường thiên lý chạy ngang trước mặt
Khách ngựa xe rầm rập ngày đêm
Không còn sử liệu cụ thể cho biết rõ chùa được lập vào thời điểm nào! Chỉ theo lời truyền lại: Chùa được xây dựng vào năm Bính Ngọ 1666, gắn với những truyền thuyết về Huyền Trân Công chúa trên đường thiên lý làm vợ Chế Mân ghé lại đây nghỉ ngơi; về thuở Nam tiến vua Lê Thánh Tôn cũng đã dừng lại nơi này, xây dựng cứ điểm có thành lũy kiên cố. Chẳng rõ điều ấy hư thực! Nhưng biện bạch làm chi vì chùa miếu thiêng, giữa cảnh quang tú mỹ thường phải có giai thoại thần kỳ.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí tập 2 trang 441 có viết: “Chùa Diệu Giác ở huyện Bình Sơn … Hồi đầu bản triều có sắc cho tên Viên Tôn Tự quy mô rộng rãi, sau trải qua loạn lạc, chùa bị tàn phá, đến lúc đại định, các tăng đồ mới tu bổ lại rất thịnh. Năm Thiệu Trị thứ nhứt (1841) đổi tên thành chùa Diệu Giác, năm thứ 5 người địa phương trùng tu”.
Trong hai bản văn tự Hán Nôm mà cư sĩ Tâm Nhạc Nguyễn Hồng Khanh còn lưu giữ cho biết được một số thông tin sau đây:
1) Tờ tấu trình của Tăng đạo Bùi Văn Túc (Tức Thiền sư Quảng Tế – bổn sư của tam tổ chùa Thiên Ấn – Hòa thượng Toàn Chiếu Trí Minh Bảo Ấn – LVB) và Lý trưởng Phạm Tài Đường ngày 6 tháng 5 Thiệu Trị nguyên niên 1841 có nội dung: những bổn đạo Võ Đức Lượng pháp danh Đại Huệ, Nguyễn Thị Thương pháp danh Pháp Mỹ, Võ Đức Phước pháp danh Đại Hạnh cùng thực hiện cải danh bức hoành phi tại chính điện: “Sắc tứ Viên Tôn Tự” thành “Diệu Giác Tự” được Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ân ban ngày mùng 8 tháng 6 năm Giáp Tuất đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 – 1754.
2) Bản văn tự Hán Nôm do Hòa thượng Ấn Lập Tổ Duy Hoằng Nhiếp khấu trình ngày 10 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 – 1897 có Tri Hương Huỳnh Hữu Nghĩa và Lý trưởng Lâm Văn Tùy đứng ký có nội dung kê khai tự vật, tự khí, tài sản tam bảo, ruộng đất và chư Thiền sư trụ trì, thủ tự…
Phối kiểm danh tánh quý tổ trong hai bản khấu trình đến bộ Lễ, đối chiếu và khảo chứng với long vị liệt Tổ thờ tại chùa, chúng ta được biết những tổ trụ trì, thủ tự như sau:
- Thiền sư đệ nhất: Chiêu Công
- Thiền sư đệ nhị: Đỗ Đại sư
- Hòa thượng Viên Minh – Lâm tế Chánh tông tam thập lục đợi Viên Tôn đường húy Tế Hiệp thượng Hải hạ Điện thụy Viên Minh Hòa thượng nghê tọa.
- Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế húy Tánh Đức thượng Đại hạ Nghĩa hiệu Chơn Tứ Đại sư.
- Hòa thượng Quảng Độ thế danh Nguyễn Văn Viên – Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế húy Phật Tuyết hiệu Tường Quang, Quảng Độ Hòa thượng. Từ ..?.. đến 1811.
- Hòa thượng Quảng Tế thế danh Bùi Văn Túc – Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế húy Tế Chơn thượng Liễu hạ Ngộ hiệu Quảng Tế. Từ 1811 đến 1848.
- Hòa thượng Quảng Vi thế danh Bùi Văn Mai – Lâm tế Chánh tông tam thập thất đợi húy Đại Niệm thượng Hoằng hạ Từ hiệu Quảng Vi. Từ 1848 đến 1866.
- Lâm tế Chánh tông tam thập thất đợi húy Tịnh Chiêu thượng ..?.. hạ Ngươn hiệu ..?.. Giác linh mao tạo.
- Hòa thượng Từ Nhơn họ Trịnh– Lâm tế Chánh tông tam thập bát thế sắc tứ Diệu Giác đường thượng giới đàn Viên Quang kiêm quản Tây Thiên tự húy Chương Nhẫn thượng Tuyên hạ Tâm hiệu Từ Nhơn giác linh. Từ 1866 đến 1897.
- Hòa thượng Hoằng Nhiếp họ Trịnh – Lâm tế Chánh tông tam thập cửu thế sắc tứ Tây Thiên tự đường thượng húy Ấn Lập thượng Thiền sư hạ Duy hiệu Hoằng Nhiếp Giác linh. Từ 1897 đến 1919.
- Thầy thế danh Võ Thiện Giáo.
Qua những Long vị trên hiện còn thờ tại phần hậu Tổ, thì chùa Diệu Giác đã có ít nhất là 11 chư Thiền sư trụ trì hoặc giám tự, quản tự đến đầu thế kỷ 20.
Tháp mộ Thiền Sư Chiêu Công – Ảnh : Vinh Bổn
Theo lời truyền lại, đối chiếu với nội dung các bản văn tự Hán Nôm ngày mùng 6 tháng 5 năm 1841 và ngày mùng 10 tháng 9 năm 1897 thì chùa Sắc tứ Viên Tôn xưa kia được xây dựng theo kiểu chữ Tam, có 2 tầng mái Chồng Diêm, bốn góc uốn cong gắn đầu phụng. Gian chính điện có bức hoành phi sơn son dát vàng, một khánh đồng, một chuông gia trì và một quả hồng chung đều có khắc chữ “Sắc tứ Viên Tôn Tự” do Hòa thượng Quảng Độ chú tạo vào ngày 15 tháng 6 năm Gia Long thứ tư – 1805. Đến năm Tự Đức thứ hai – 1848 Hòa thượng Đại Niệm Hoằng Từ Quảng Vi có thế danh là Bùi Văn Mai chủ trương xây bảo tháp Quan Thế Âm ở sân chùa. Hai bên bàn thờ niệm hương ngoài tiền đường có 4 câu liễn lấy tên làng Phú Lộc và tên chùa Diệu Giác:
+ Phú hữu tại tiền nhơn kiến khai tòng lâm y chánh pháp
– Lộc tồn lưu hậu thế trùng quang phạm vũ chấn thiền môn
+ Diệu pháp thiệu thiền gia thiên cổ trang nghiêm tùy cảnh hóa
– Giác vương duy đại đạo vạn linh tú lệ vĩnh thời hưng
Trong khuôn viên chùa Diệu Giác, ở phía nam có miếu thờ công chúa Huyền Trân, thường gọi là công chúa Hồng Hoa. Có hai câu đối:
Án tiền vĩnh tấn quy mô hảo.
Hộ thủy triều môn nhật nguyệt quan.
Đáng chú ý là 3 ngôi mộ tháp cổ, xây bằng tam hợp chất, gạch nung vả đá ong, trên bia ký có ghi:
– Viên Tôn tọa chủ …? (Bom đạn làm nát phần tiếp theo)
– Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế giám viện Đỗ Đại sư.
– Lâm tế tam thập lục Quảng Độ Nguyễn Hòa thượng.
Pháp mộ thiền sư Phật Tuyết Tường Quang – Ảnh : Vinh Bổn
Trong những lần đi thực tế điền giả để tìm hiểu quá trình hình thành những ngôi chùa ở Quảng Ngãi, qua sử liệu liên quan, ta được biết về Hòa thượng Quảng Độ như sau:
Long vị Thiền sư Phật Tuyết Tường Quang – Ảnh : Vinh Bổn
Thiền sư có thế danh là Nguyễn Văn Viên sinh năm Kỷ Mùi 1739 tại làng Phú Lộc, tổng Bình Hà, nay là thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Theo lời truyền lại của chư sơn đất Quảng( Quảng Nam, Quảng Ngãi) thì lúc đầu Ngài quy y xuất gia tại chùa Vạn Đức – Hội An với Thiền sư Thành Đẳng Minh Lượng có Pháp danh là Phật Tuyết – Tường Quang. Sau đó, Thiền sư Minh Lượng vào Nam, Ngài cầu pháp Hòa thượng Thiệt Dinh – Ân Triêm chùa Phước Lâm – Hội An nên có Pháp danh Pháp Ấn, hiệu Quảng Độ. Năm Bính Thìn 1796, Thiền sư Ân Triêm viên tịch, Ngài kế thừa trụ trì chùa Phước Lâm – Hội An. Ngài đã cùng với Pháp đệ là Pháp Kiêm – Minh Giác (quê thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương) trùng tu chùa Phước Lâm bị điêu tàn do chiến tranh Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn và xây dựng chùa Phước Lâm thành “nhà trường” đào tạo Tăng tài cho Phật giáo xứ Đàng Trong.
Hòa thượng viên tịch ngày 17 tháng 9 năm Tân Mùi (1811) tại chùa Diệu Giác, bảo tháp được kiến lập trong khuôn viên.
Hiện nay có 2 nơi thờ long vị Ngài là chùa Diệu Giác – Quảng Ngãi và chùa Phước Lâm – Hội An. Căn cứ vào hoa văn, chất liệu thì long vị có cùng niên đại, năm sinh ngày tháng năm tịch trùng khớp. Long vị và mộ tháp tại chùa Diệu Giác ghi Pháp danh ngài là Phật Tuyết đời thứ 36 (Nhưng theo chi kệ “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên” của thiền pháiĐạo Mân Mộc Trần thì ngài Phật Tuyết – Tường Quang phải ghi đời thứ 35 mới đúng).
Chùa Diệu Giác đã có nhiều lần trùng tu, tái thiết, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1974 và các lần sửa sang nhà chúng, nhà trù, nhà tăng trong năm 2010, 2011 với kiến trúc pha tạp nên không còn hình dáng ngôi cổ tự nữa.
Năm 1961, chùa thành lập GĐPT Phú Lộc. Năm 1967 tập hợp những GĐPT các chùa trong xã, lấy tên GĐPT Chơn Thành. Năm 1995, tái sinh hoạt với tên GĐPT Diệu Giác. Tại Đoàn quán GĐPT có câu liễn:
Phật pháp đình tiền cung phụng sự
Thiền lâm công đức thọ từ căn
Năm 1996, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có quyết định cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa (QĐ số 08 UBND Tỉnh Quảng Ngãi ngày 31 tháng 5 năm 1996) và năm 2000 Bộ Thông tin đã cấp bằng xếp hạng Di tích Quốc gia (QĐ số 06 – QĐBVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000).
Hằng năm, ngoài những lễ thường kỳ, chùa lấy ngày viên tịch Thiền sư Phật Tuyết – Tường Quang 17 tháng 9 làm ngày hiệp kỵ liệt Tổ.
Gần một thế kỷ qua, với nhiều biến cố, chùa Diệu Giác không có Tăng sư trụ trì, lại nằm trong vùng giao tranh ác liệt trong kháng chiến nên nhiều báu vật của chùa đã bị phân tán, lưu lạc, mất mát.
Tháng 3 năm Canh Dần 2010, chùa Diệu Giác tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Nguyên Toàn trụ trì chùa.
Chùa Sắc Tứ Diệu Giác là một trong những ngôi chùa xưa của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây không những chỉ là nơi tu hành, kinh kệ mà còn là một danh lam thắng cảnh cho khách tham quan du lịch. Nhất là cho giới nghiên cứu Phật sử và các Tăng Ni, tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi. Bởi vì chùa Diệu Giác đã được quý Tổ không cùng chung môn phái nhưng lại kế thế trụ trì qua suốt thời gian mấy trăm năm. Nó minh chứng sự “Dung Hợp” của Phật giáo Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng qua các Long vị thờ tại chùa như: Hòa thượng Tế Hiệp Hải Điện (Phái Thiên Đồng), Phật Tuyết Tường Quang (Phái Mộc Trần Đạo Mân – 1596 – 1674), Tế Chơn Liễu Ngộ ( Phái Thiệt Diệu Liễu Quán – 1667- 1742), Tánh Đức Đại Nghĩa (Phái Minh Châu Hương Hải – 1627 – 1715), Chương Nhẫn Từ Nhơn (Phái Minh Hải Pháp Bảo – 1670 – 1746). Bởi vì dù được kế thừa theo dòng kệ hay pháp phái nào thì cũng từ ngôi chùa Báo Tư và cũng từ dòng kệ của Thiền sư Vạn Phong Thời Ủy (1303 – 1381) ở chùa Thiên Đồng mà ra. Thế nên quý tổ trú trì chùa Sắc Tứ Diệu Giác đã xem nhau như anh em một nhà.
Đây là nét đặc trưng văn hóa rất vinh hạnh của Phật giáo Quảng Ngãi đáng được giới Phật tử tôn vinh, kế thừa và phát huy.
Lê Vinh Bổn
(nguồn: levinhbon.com)