NAM MÔ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM.

Trường phái Tịnh độ, phần lớn, ngoài hồng danh Đức Phật A Di Đà, tín chúng thường niệm Đức Bồ tát Quán thế Âm, biểu tượng tình thương và sự lắng nghe, trong khi đó bên cạnh  giáo chủ Tây phương cực lạc là Đức Đại thế Chí, biểu tượng cho đại trí tuệ, lại ít người hướng đến.

Vì sao? Ta bà là cảnh giới mà con người bình thường muốn tránh khổ tìm vui. Khổ vui là hai mặt trong đời sống của mọi sinh loại. Do tập nghiệp nhiều đời, do tầng lớp chủng loại khác nhau mà khổ và vui cảm thọ khác nhau. Không bao giờ vui toàn diện hay khổ triền miên,  trong vui có chất khổ, trong khổ vẫn có niềm vui do sự cảm thọ và quan niệm của mỗi người. Tuy là vậy, mang thân người mấy ai đủ bản lãnh để lấy khổ làm vui, gặp vui luôn nhìn thấy cái khổ đang tiềm ẩn rình rập; ngoại trừ người hiểu đạo, vui và khổ đều là bài học cho cuộc tiến hóa tâm linh.

Ít ai đủ can đảm đối diện với cái khổ đời người, cờ bạc, ăn nhậu…là những phương tiện khỏa lấp niềm đau, nhưng sau những cơn đam mê, niềm đau nỗi khổ gia tăng gấp bội; có những cuộc trốn chạy bằng sự  kết liễu đời mình, nhưng khổ vẫn hoàn khổ, để cơn đau dư chấn cho người còn lại. Rồi lại than: đời là bể khổ.

Trước sự bất lực của kiếp sống, người tin Phật bèn cầu khẩn Đức Bồ Tát cứu độ, bởi lẽ, Ngài đã phát 12 đại nguyện cho chúng sanh nương tựa. Qua ý nghĩa 12 đại nguyện, hành trạng luôn hướng về chúng sanh, được triển khai bởi kinh Phổ Môn:

“Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: “Thiện-nam-tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát…”

Đó là duyên cớ để chúng sanh luôn hướng về ngài. Từ lâu lắm, 19 tháng 2 Âm lịch, các chùa luôn tổ chức lễ Vía. Nghi lễ “thù ân chúc tán” xa xưa trong các sơn môn vào canh khuya cho mỗi đại lễ hay sám pháp tại miền Trung, nay chỉ còn một vài nơi duy trì. Đặc biệt, cũng vùng duyên hải Trung Việt, cũng nơi từng được xem “khỉ ho cò gáy”, nhưng là nơi ươm mầm cho đức tin quần chúng, sản sanh lắm bậc đạo cao đức cả phủ trùm ân đức cho niềm tin. Duyên đã khởi, thời đã sanh, Ngũ hành sơn hiện bóng Ngài trên vách, từ đó, chư Tăng thường trụ bản sơn duy trì nguồn mạch tôn vinh Bồ Tát hàng năm. Từ năm 1991, chùa Quán Thế Âm đã long trọng hưng long lễ vía. Thời gian gần đây, TT.Thích Huệ Vinh tiếp bước tiền nhân, ngày càng long trọng tổ chức đại lễ với hình thức đa dạng.

Khởi sự từ ngày 17 đến 19/2 âm lịch.Lễ chính được các bô lão địa phương cáo thần bản địa. Đoàn Phật giáo Hàn Quốc trình diễn vũ điệu. Các đoàn thể, đạo tràng tiến lễ; các đơn vị Gia đình Phật tử về tham gia lửa trại. Các phòng trưng bày tranh ảnh, hội họa do họa sĩ Xuân Sơn, chủ nhiệm CLB Trúc Văn (Hội mỹ thuật ĐN) cùng một số họa sĩ triển lãm. Nếu tổng tính ba ngày thì lượng người tham dự trên ba mươi ngàn. Gần 30 gian hàng ẩm thực, giải khát,văn hóa phẩm Phật giáo.

Sự nhộn nhịp trong ba ngày, thay đổi sinh hoạt trầm lắng quanh năm nơi núi năm ngọn hướng về đại dương. Khác hơn chùa Linh Ứng Bãi Bụt, quanh năm khách tham quan đủ mọi quốc gia, không dưới một trăm lượt người mỗi ngày, nhưng không gian yên tĩnh vẫn phủ trùm dưới chân Phật bà Quan Âm cao 67m. Địa linh vùng Sơn Trà, như kiềng ba chân, ba ngôi chùa cùng tên Linh Ứng ngự trị với biển cả che chở cho cư dân từng bị đe dọa nhiều cơn bảo tố hướng về TP Đà Nẵng. Linh Ứng Non nước nằm trên hòn Thủy sơn, Linh Ứng Bà Nà và Linh Ứng Bãi Bụt. Ngũ hành sơn vẫn ẩn tàng linh khí thiêng liêng, vượt qua nhiều thăng trầm bao thời đại để tồn tại đến hôm nay.

Buổi lễ chính thức vào sáng ngày 24/3 tức 19/2 âm lịch, chứng minh và tham dự có chư Tôn đức Trung ương giáo hội, và BTS PG TP. Đà Nẵng, một số quan chức TP. Đặc biệt, chiều ngày 18 có giáo sư Lê Mạnh Thát nói chuyện với đại chúng hiện diện. Mỗi năm chương trình và hình thức tổ chức lễ hội Quan Âm mỗi khác. Có những năm, mưa tầm tã thịnh nộ trút nước làm tung tóe cảnh trang trí, TT. Thích Huệ Vinh khấu đầu khấn vái, dứt cơn mưa cũng vừa đúng lúc lễ bắt đầu. Năm nay, sau buổi lễ chính thức, trời dịu mát rãi vài hạt sương chưa đủ thấm đất như chúc mừng những công hạnh của ban tổ chức và niềm tin vào Bồ Tát của hàng vạn tín đồ. Tóm lại, cư dân địa phương cho biết, dù mưa trước hay sau cuộc lễ, chư Thiên vẫn chừa lại khoản thời gian cho buổi lễ được trọn vẹn.

Cuộc lễ được Ban tổ chức đầu tư trước một thời gian khá dài và khá chi tiết, mặc dù chùa vẫn chưa xây dựng xong, các đoàn từ nước ngoài hoặc từ các tỉnh về dự, được Ban tổ chức tiếp đãi ưu ái, chọn khách sạn tối ưu và ăn uống rất đa dạng. Điều đáng nói, một số anh em nghệ sĩ đều hoan hỷ tề tựu. Thi sĩ lãng du Tâm Nhiên, mặc dù được TT Thích Huệ Vinh ưu đãi dành một căn phòng lưu trú, chàng nghệ sĩ lãng du lưu linh suốt năm trên con ngựa sắt, Bắc Nam không thiếu dấu chân giang hồ, vừa trở về với không gian lễ hội. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên cũng bận rộn với tập san Diệu Âm ra mắt kịp đại lễ hàng năm, phong độ vẫn còn nguyên chất thuở nào, dĩ nhiên việc áo cơm cũng đành giao cho phu nhân Vô Biên, Đình Quân, Nguyễn văn Nho, và còn nhiều nhân sĩ, cây bút xuất sắc của Quảng Nam không quên ngày tri ân của mẹ Quan Âm.

Lễ hội Quan Thế Âm, không chỉ là ngày vía Bồ Tát được TT. Thích Huệ Vinh long trọng tổ chức trở thành truyền thống, còn là ngày để quần chúng có dịp hội ngộ chân thành nguyện cầu, và đối với anh em văn nghệ sĩ, xem như là mùa hội ngộ trên mảnh đất “ngũ phụng tề phi” nghèo khó.

Đà Nẵng giờ đây, trở thành điểm sáng cho du lịch, linh địa cho tín ngưỡng và địa lợi cho kinh tế, chính trị, văn hóa, xứng đáng là cái nôi cho lễ hội Quan Âm hàng năm, có lẽ nhờ thế mà Đà Nẵng trở thành thành phố gương mẫu cho sự phát triển và nổi trội với danh xưng thành phố văn minh hiện nay.

Cư sĩ MINH MẪN

24/3/2019 – 19/2/ Kỷ Hợi

(cảm ơn Cư sĩ MINH MẪN đã gửi bài)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận
Vui lòng nhập tên