Buda.jpg

Giảng viên: TT. Thích Giác Hiệp

Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

Lớp Cao Đẳng chuyên khoa TP. Hồ Chí Minh

THIỀN ĐỊNH

(Tham khảo từ phẩm 155 đến phẩm 188)

I. GIỚI THIỆU:

Giáo lý của đức Phật là con đường diệt trừ khổ đau. Con đường này bao gồm những phương pháp thực hành. Một trong những phương pháp thực hành trọng yếu đó là Thiền định. Mỗi trường phái Phật giáo đưa ra nhiều phương pháp thiền định rất phong phú, thế nhưng vẫn dựa vào phương pháp cơ bản như: Tứ thiền, Bát định.

II. CÁC LOẠI THIỀN ĐỊNH

Có 2 thứ định đó là định hữu lậu và định vô lậu. Các thiền định thế gian là hữu lậu, các thiền định đạt được pháp vị gọi là vô lậu, nghĩa là thiền định thấy rõ được như thật. Định có 3 tướng đó là: chế tướng, phát tướng, và xả tướng (Đ.32.334.3)

Hành giả luôn kiểm soát các trạng tâm lý khi thực hành thiền, nên biết lúc nào: chế, phát, xả. Nếu tâm động mà không chế ngự ngăn ngừa thời sẽ bị tán loạn. Nếu tâm thoái thất mà không phát thời lười biếng phát sinh. Nếu hòa vui mà không xả thời sẽ không giữ được sự điều đặn.

A.   ĐỊNH DỤC GIỚI

Con người trong cõi dục bị các loại tình dục, thực dục, sắc dục  và dâm dục chi phối, thế nhưng một khi con người ý thức được những tác hại do các dục gây ra, họ bắt đầu tu tập về giới, giữ gìn 3 nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, không chạy theo ngũ dục, lục trần. Các dục không chi phối, sai sử. Nhờ vậy tâm tính được định tĩnh, vọng niệm không sinh, thân tâm khinh an, có cảm giác tự tại. Đó là tướng định của dục giới.

B.   ĐỊNH SẮC GIỚI

–  Năm triền cái: năm chướng ngại khi hành thiền: Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử, Hoài nghi

–  Năm thiền chi: những loại tâm sở có khả năng đoạn trừ các triền cái: Tầm (giác), Tứ (quán), Hỷ, Lạc, Nhất tâm.

  1. Sơ thiền:

Hành giả xa lìa pháp ác, pháp bất thiện, tham dục…Ở tầng thiền này những phiền não dục giới không còn, hành giả đã đoạn trừ được kiến hoặc và tư hoặc thuộc dục giới. Sơ thiền có đủ: 1) tầm (giác), 2) tứ (quán), 3) hỷ, 4) lạc, 5) nhất tâm.

  1. Nhị thiền:

Để đạt được trạng thái tịch tĩnh thật sự hành giả xa lìa những trạng thái dao động. Trạng thái giao động thô nhất là Tầm, tứ (giác, quán). Tầm, tứ là sự suy xét tìm cầu, quán sát thân tâm, ngoại cảnh. Hành giả cần phải loại bỏ tâm sở tầm, tứ. Trạng thái Nhị thiền có: 1) hỷ 2) lạc và 3) nhất tâm.

Đệ nhị thiền tâm định đã thành tựu

  1. Tam thiền:

Hành giả khởi ý niệm ly khai các trạng thái dao động vi tế, xa lìa niệm hỷ tu xả. Hỷ là trạng thái mừng vi tế. Dù vi tế nhưng vẫn là động nên cần loại trừ. Trạng thái Tam thiềnchỉ có 1) lạc và 2) nhất tâm.

  1. Tứ thiền:

Trạng thái thiền sắc giới cao nhất. Trạng thái này những động vi tế không còn nữa. Tâm hành giả hoàn toàn thanh tịnh. Hành giả dứt trừ khổ, vui, diệt buồn, mừng, chẳng khổ chẳng vui xả niệm thanh tịnh. Trạng thái Tứ thiền chỉ có nội tĩnh, thanh tịnh, nhất tâm.

C. ĐỊNH VÔ SẮC GIỚI

Định vô sắc giới còn gọi là không định, trọng tâm của định này là xa lìa sắc tướng của sắc giới mà thành tựu ý niệm về không. Dù vô sắc và không nhưng hành giả vẫn là con người hiện thực, sống trong cảnh giới hiện thực, giữa cuộc đời và trên mặt đất này, thế nhưng nhờ định lực nên thành tựu các thứ định vô sắc giới.

1. Không vô biên xứ:

Hành giả xa lìa sắc tướng, diệt hữu đối tướng, chẳng nghĩ đến bất cứ tướng gì khác, do nhàm chán sắc nên tâm chỉ tưởng đến không. Tu tập tưởng đến không lâu ngày thành tựu không vô biên xứ định, một trạng thái như hư không, vô tướng, rộng lớn, vô biên, thanh tịnh.

2.  Thức vô biên xứ:

Hành giả nhàm chán và muốn xa lìa niệm không. Không là pháp đối trị sắc. Hành giả nhờ không để phá sắc thế nhưng đến giai đoạn này cũng bỏ luôn không. Do vậy chỉ tưởng về thức. Khi niệm tưởng về thức thì niệm hư không không còn, chỉ thấy có thức. Nên gọi là thức vô biên.

3.  Vô sở hữu xứ:

Hành giả dùng thức tùy theo duyên, tùy theo lúc nên sinh mệt nhọc, nhàm chán. Với tâm nhàm chán, xả ly, hành giả muốn phá thức hướng về vô sở hữu xứ, không còn có niệm về thức và hư không. Tâm niệm ly khai cả thức và hư không, thành tựu trạng thái vô sở hữu xứ định.

4.  Phi tưởng phi phi tưởng xứ

Thọ, tưởng hoạt động yếu đi, dường như không có nên gọi: phi tưởng tức không có tưởng. Thực tế hành giả vẫn còn hơi ấm và thức nên gọi phi phi tưởng tức không phải không có tưởng.

D. DIỆT TẬN ĐỊNH

Diệt tận định có 2 thứ: 1) diệt hết các loại phiền não, 2) diệt tâm, tâm sở pháp cho nên gọi là diệt tận định. Hành giả muốn nhập định này phải phá các pháp hữu vi. Hành giả xả bỏ trạng thái hoạt động, hiện hành của thọ và tưởng.

E. BA THỨ TAM MUỘI

  1. Không tam muội:

Hành giả sử dụng năng lực của trí tuệ quán các pháp, nhất là 5 uẩn, thấy 5 uẩn trống không, không cả 2 mặt bản thể và hiện tượng. Do vậy con người do 5 uẩn hợp thành không có thật, là vô thường, khổ, không, vô ngã.

  1. Vô tướng tam muội:

Sử dụng định lực kiên cường, trí tuệ vô lậu quán sát tướng của các pháp. Tiêu biểu là 10 tướng: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, sinh, diệt, nam, và nữ. Quán các tướng này là không, giả tướng, cuối cùng an trụ trong vô tướng.

  1. Vô nguyện tam muội

Hành giả cũng sử dụng năng lực của định và trí tuệ vô lậu, thấy các pháp là không, là vô tướng. Do vậy không có tâm mong cầu, chấp thủ, tham trước nên các loại phiền não tương ứng như tham, sân, si, mạn, nghi, kiến không còn. Tâm  hoàn toàn thanh tịnh, an trú tâm không, tức vô sở hữu.

F. CHỈ QUÁN:

Luận nói, “Chỉ là định quán là tuệ. Tất cả pháp lành do tu phát sinh đều nhờ 2 pháp này”

止名定觀名慧。一切善法從修生者。此二皆攝 (Đ.32.358.1)

Chỉ, quán cũng là nguyên lý chung cho tất cả thiền định. Cho nên khi tu tập thiền  định phải vận dụng cả chỉ và quán.

Chỉ được xem là có công năng giữ gìn 3 nghiệp thanh tịnh, không cho 3 nghiệp chạy theo ngũ dục lục trần. Tâm chuyên nhất vào một đối tượng, không cho phân tâm. Nó có tác dụng chế ngự và lắng đọng tâm tư, đưa đến định tĩnh, nhất tâm.

Quán là vận dụng trí tuệ vô lậu quán sát các pháp là vô thường, khổ, không, vô, ngã thành tựu trí tuệ. Đó là quán pháp thế gian bước sang pháp xuất thế quán Tứ đế, thấy lý như thật về Tứ đế.

Cuối cùng chỉ và quán đồng tu, tức định tuệ đồng thời. Trong tuệ có định trong định có tuệ. Chỉ quán đồng thời là phương pháp tu tập hoàn thiện.

G. TRỢ DUYÊN

Đây là những yếu tố cần thiết giúp người thực hành thiền định nhanh chóng đạt được trạng thái định tĩnh, chúng bao gồm: giữ giới, thân cận thiện tri thức, nhiếp căn…

H. ĐỊNH NẠN

Tâm sinh quá mừng khi đạt được trạng thái thiền định. Nếu hành giả giữa được tâm vắng lặng trống không thì sẽ không sinh tâm vui mừng. Hoặc hành giả sinh tâm sợ hãi khi thấy những nhân duyên đáng sợ, và để đối trị hành giả quán không, hãy xem các trạng thái đó như trò huyễn thuật.

III.   KẾT LUẬN

Trong Phật giáo Thiền định là phương pháp tu tập tinh thần thiết yếu. Đức Phật và các Thánh đệ tử cũng nhờ thiền định mà chuyển hóa tâm thức, chứng đạt quả vị. Đức Phật chứng đạt giác ngộ, giải quyết những vấn đề nội tâm của chính ngài. Ngài chỉ hướng dẫn phương pháp tu tập, còn vấn đề tu tập, chứng đạt là tùy thuộc vào sự nỗ lực của từng hành giả. Các nghi thức tế lễ không thể đem lại sự giải thoát. Thiền định là phương pháp giúp thanh tịnh tâm thức, đạt giải thoát.

TT. Thích Giác Hiệp

BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận
Vui lòng nhập tên